Hai vụ án trên đã kết thúc giai đoạn 1 của những vụ việc tham nhũng lớn ở Cà Mau. Giai đoạn 2, cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của các quan chức liên quan. Có dấu hiệu cho thấy hầu hết lỗi được quy cho ông Lê Công Nghiệp, người giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh các năm 1989-1998, và chủ tịch từ tháng 12/1999 đến khi bị cách chức, tháng 4/2001.
Theo lời ông Nghiệp: “UBND tỉnh lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể, cá nhân phụ trách”. Thời điểm xảy ra 2 vụ tham ô, cố ý làm trái ở Công ty Dược và Công ty Dịch vụ thương mại, ông Nghiệp đang là phó chủ tịch tỉnh, còn ông Phạm Thạch Trị là chủ tịch, bà Ong Thị Hồng Thơ là phó chủ tịch thường trực.
Ông Nghiệp đã ký duyệt chủ trương, để Nguyễn Hùng Tấn, giám đốc Công ty Dược, lợi dụng nâng giá mua máy sấy tầng sôi từ 10 triệu đồng lên hơn 1,65 tỷ đồng. Nhưng sau đó vụ việc đã bị đại tá Nguyễn Trung Trực, Phó giám đốc Công an tỉnh phát hiện. Bản báo cáo của ông Trực đến tay bà Thơ, ông Trị rồi rơi vào quên lãng, trong khi ông Trực phải về hưu non. Sau đó (tháng 3/1995), Nguyễn Hùng Tấn còn được ông mai Hữu Chinh, phó giám đốc Sở Tài chính (nay là giám đốc Kho bạc Cà Mau) ký công văn làm cơ sở cho Bộ Tài chính miễn thuế phụ thu 10.000 tấn phân urê và 10.000 tấn sắt. Tấn đã lợi dụng các văn bản này gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
Về việc này, báo cáo số 43 về công tác tháng 8 và kế hoạch tháng 9/1996 của UBND tỉnh, do bà Thơ ký ngày 7/9/1996, có đoạn: “Chỉ đạo miễn phụ thu các lô hàng sắt xây dựng, phân urê nhập khẩu...”. Ông Nghiệp cho hay, việc này “có sự chỉ đạo của tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh”. Thời điểm đó ông Đặng Thành Học là bí thư Tỉnh ủy, còn phụ trách khối tài chính là phó chủ tịch Phạm Văn Đức.
Diễn biến các vụ án tham nhũng ở Cà Mau cho thấy không thể loại trừ trách nhiệm của bí thư Đặng Thành Học. Song thực tế, theo lời người dân ở đây, gia tài ông mỗi ngày một nhiều, trong khi ông được “hạ cánh an toàn”. Với chủ tịch Phạm Thạch Trị, ngoài trách nhiệm chỉ đạo chung ở UBND tỉnh, ông còn có trách nhiệm khi ký cho phép Nguyễn Hùng Tấn vay ngân sách đáo hạn nợ ngân hàng. Còn phó chủ tịch Phạm Văn Đức phải chịu trách nhiệm khi ký duyệt không cần đóng dấu, cho Tấn vay 13 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả bão (trong hai tháng 5-6/1998).
Tập thể lãnh đạo tỉnh này còn phải chịu trách nhiệm khi đưa ra chủ trương chuyển đổi phương tiện vận tải thô sơ bằng xe 4 bánh. Chủ trương đưa ra một cách vội vàng, thiếu sự chuẩn bị, gây khó khăn cho hàng trăm người hành nghề xe lôi, nhưng lại rất “hợp thời” với yêu cầu giải nguy cho 54 ôtô mà Nguyễn Hùng Tấn nhập khẩu bằng 4,2 tỷ đồng ngân sách khách phục hậu quả bão số 5 (1997).
Liên quan đến các sự việc nói trên, có dư luận rằng Nguyễn Hùng Tấn đã “đóng hụi chết” cho gia đình ông chủ tịch Phạm Thạch Trị, khi Công ty Dược và kinh doanh XNK thuê nhà của ông Trị - một địa điểm không thuận lợi chút nào cho việc kinh doanh, để mở cửa hàng. Ông chủ tịch cũng khó giải thích việc con gái ông có ngay cửa hàng đẹp nhất ngay cửa ra vào của Siêu thị Cà Mau khi vừa khánh thành. Không cần làm ăn buôn bán, cô này đã nhượng ngay cho người khác kiếm chênh lệch cả trăm triệu đồng. Cũng khó giải thích mối quan hệ giữa bà Tuyết Hồng (Nguyễn Thị Bé Tư, giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại, với ông Bảy Trị (Phạm Thạch Trị), khi bà này dành hẳn một phòng ở công ty để chưa rượu Bordeaux cho vợ ông chủ tịch. Thời đó, người dân gọi đây là rượu anh Bảy.
Ngoài ra còn có tin rằng vì ăn dơ với bà Tuyết Hồng, ông Trị đã gọi điện thoại cho ông Phạm Thu, Giám đốc Công ty Xây dựng nhà Gia Định để gây khó khăn cho quá trình thanh tra tìm nguồn gốc căn nhà 360E Nơ Trang Long, TP HCM, mà Tuyết Hồng dùng tiền công mua tặng nghệ sĩ Minh Vượng.
Những vụ lem nhem như vậy chưa được xử lý thì ông Trị được “rút lên” làm Phó ban quản lý Khu khí - điện - đạm Cà Mau.
Về các sự việc nói trên, ông Lê Công Nghiệp nói: “Tôi tự khẳng định là mình có khuyết điểm, nhưng không đến mức có tội. Tuy nhiên, để làm cho có tội, người ta có trăm nghìn cách”. Và thực tế, theo báo cáo của Cảnh sát điều tra Cà Mau, có đến 22 tập thể và cá nhân liên quan trách nhiệm nhưng vẫn chưa được xử lý nghiêm minh.
(Theo Tiền Phong)