Từ: N Tâm
Đã gửi: 20 Tháng Tư 2011 5:13 CH
Thân gửi chị Hồng!
Tôi không biết quan niệm học vấn cao là như thế nào, tôi đang chuẩn bị hoàn thành luận án tiến sĩ, hy vọng cũng được xếp dạng học vấn kha khá. Tôi nói vậy để chỉ ra rằng việc có con hay không, không phải do học vấn quyết định.
Tất cả những gì chị viết về việc có một đứa con đều do chị tưởng tượng và chẳng có một cơ sở nào cho thấy việc tưởng tượng đó là đúng cả.
Chị đã thử hỏi những ai đang làm cha, làm mẹ xem "việc tôi phải bon chen để lo cho một đứa trẻ đi học và trưởng thành như biết bao nhiêu bậc phụ huynh đang phải lo cho con cái họ. Khi phải bon chen thì nhân cách đã mất đi ít nhiều" là có đúng không?
Tôi đã lập gia đình 3 năm, vợ chồng tôi đang khao khát có một đứa con, tuy rằng chồng tôi không dám thổ lộ vì sợ tôi buồn. Nhưng tôi biết trong ánh mắt và suy nghĩ, anh ấy thèm nghe tiếng trẻ gọi cha. Tôi tin rằng không có một người đàn ông nào lại không muốn mình có con.
Nếu phải "bon chen để lo cho một đứa trẻ đi học và trưởng thành như biết bao nhiêu bậc phụ huynh đang phải lo cho con" tôi cảm thấy đó là một diễm phúc mà ông trời ban tặng cho tôi, rất tiếc ông trời chưa ban cho tôi điều kỳ diệu ấy. Nhưng tôi chắc rằng bất cứ ai đang làm cha làm mẹ đều thấy hạnh phúc khi vất vả lo cho con.
"Chạy" trường cho con là cách làm của một số người, tôi cảm thấy ngưỡng mộ họ, họ cũng có nhân cách chứ, nhưng họ còn có động lực để hy sinh, đó là con cái. Khi chị viết ra như vậy, là chị đang khinh những ai đang làm cha làm mẹ mà đang hy sinh cho con là những người thiếu nhân cách. Một người học vấn cao như chị lại không đủ tư tin để nuôi dạy con mình đường đường chính chính vào các trường học bằng cửa chính sao? Tôi không tin một người thành đạt lại thiếu niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống như chị.
Tôi bật khóc khi đọc bài viết của chị, một phần là đồng cảm. Tôi cũng đang "được" 2 bên gia đình, bạn bè lời ra tiếng vào, nhưng tôi biết đó là tất cả tình cảm, sự quan tâm mọi người dành cho tôi. Tôi cũng đang phải chịu áp lực rất lớn, công việc và gia đình. Nhưng qua đó, tôi càng thấy rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa, chạy từ Tây y sang Đông y để sớm được nghe tiếng khóc trẻ thơ.
Tôi khóc là vì sao đời lại bất công vậy, có người có đủ "điều kiện" thì không thèm có con, có người muốn cũng khó mà có được, thì lại khao khát có con. Chị từng tiếp xúc với những cặp vợ chồng đi điều trị vô sinh chưa? Nếu tiếp xúc rồi, tôi tin chị sẽ có cái nhìn khác đi.
"Tôi cũng đã tưởng tượng ra viễn cảnh, trong tương lai vợ chồng tôi sẽ ly hôn vì tôi không muốn có con, chồng tôi sẽ có con với vợ mới vì không thể bất hiếu với cha mẹ, thì tôi cũng sẽ chịu đựng được". Tôi bất ngờ khi đọc điều này. Làm sao chị biết được nếu chồng chị muốn ly hôn với chị là do báo hiếu?
Hay là do bản năng đàn ông, bản năng một người cha và với một tình yêu thật sự với con, với người phụ nữ khác, anh ấy sẽ rời bỏ chị? Chị cho rằng chị sẽ chịu được, tôi khâm phục bản lĩnh mạnh mẽ đó. Nhưng tôi dám chắc chị sẽ không thể nào vượt qua được nỗi đau mất chồng nếu chị thật sự thương yêu chồng.
Những lời nói chân thành trên không phải với mục đích chỉ trích, mà tận sâu trong lòng, tôi mong rằng chị hãy suy nghĩ lại. Tôi thấy có rất nhiều lời khuyên dành cho chị, rất bổ ích. Tôi vui chung với niềm vui của những người phụ nữ khác khi thấy họ hạnh phúc vì vừa được làm mẹ. Tôi hy vọng rằng, một ngày không xa, tôi, chị và những người phụ nữ đang khao khát làm mẹ sẽ được nghe tiếng khóc trẻ thơ, nghe tiếng con gọi "mẹ".
Thân chào chị.