Nguyễn Thị Kim Hiền -
Thời gian gần đây, đài truyền hình trung ương Nga liên tục tiến hành các đề án giáo dục: từ ngày 3/12, kênh 1 (ORT) bắt đầu chiếu bộ phim truyện dài tập dựa theo tác phẩm cùng tên " Tội ác và trừng phạt" của Fedor Dostoevski.
Văn học kinh điển Nga xuất hiện thường xuyên hơn trên màn ảnh nhỏ. Hai năm trước, truyền hình Nga đã công chiếu thành công bộ phim Thằng ngốc (cũng dựng theo tiểu thuyết của Dostoevski), còn mùa thu vừa rồi khán giả được xem bộ phim Chiến tranh và hòa bình, một đề án điện ảnh lớn, với sự tham gia của sáu nước.
Tội ác và trừng phạt là tiểu thuyết đầu tiên trong số năm tác phẩm lớn của Dostoevski, đã mang lại cho nhà văn niềm vinh quang không chỉ ở nước Nga. Được viết từ 150 năm trước, cuốn sách nằm trong danh sách những tác phẩm văn học được đọc nhiều nhất trên thế giới.
![]() |
Trang bìa cuốn tiểu thuyết. |
Tuy vậy, các nhà làm phim đã tỏ ra tỉnh táo khi nhận định rằng, đối với không ít khán giả truyền hình hiện nay, đặc biệt là lớp trẻ, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt là cuộc làm quen đầu tiên và rất có thể là lần cuối cùng với tác phẩm của Dostoevski. "Tôi tin là thanh niên ngày càng ít đọc hơn, và cuốn sách này đã ra khỏi cuộc sống thường nhật của chúng ta. Theo khẳng định sâu sắc của mình, tôi cho rằng ngày nay, truyền hình là khâu trung gian duy nhất giữa sách và khán giả, và cần phải chấp nhận một sự thật đáng buồn - chỉ một số rất ít trong số những người xem phim biết nội dung chi tiết của tác phẩm này", ông Dmitri Svetozarov, đạo diễn của bộ phim Tội ác và trừng phạt nhận định.
Xuất phát từ nhận thức không ít khán giả chưa bao giờ tiếp cận với tác phẩm, các nhà làm phim phải làm việc tối đa với văn bản của Dostoevski. Trước hết, họ muốn một lần nữa trải qua những chặng đường của Raskolnikov - nhân vật chính của Tội ác và trừng phạt từng đếm bước, nhưng thật đáng tiếc, thành phố Saint Peterburg đã thay đổi quá nhiều so với thời nó được nhà văn miêu tả. "Điều phức tạp nhất và vất vả nhất là đối mặt với thời hiện đại" - đạo diễn Dmitri Svetozarov thú nhận sau khi hoàn thành bộ phim. Đường dây điện, khung cửa sổ nhựa, các trang trí trên tường nhà, đường ống dẫn khí ga... và hàng nghìn chi tiết vụn vặt khác trong thành phố hiện tại hoàn toàn không tương ứng với bối cảnh lịch sử thời Dostoevski. Tóm lại, cần phải chỉnh sửa khá nhiều bối cảnh của tiểu thuyết. Phần lớn các cảnh quay diễn ra ở trung tâm thành phố. "Đó là một tiểu thuyết về những con người bị cuộc đời giam hãm trong không gian tăm tối, vì vậy các cảnh phim đều được quay trong các ngõ phố, sân sau chật hẹp" - đạo diễn nói. Đoàn làm phim may mắn phát hiện ra không gian trên quảng trường Koniusenskaya, khu phố cổ Saint Peterburg, là nơi hầu như từ năm 1830 đến nay, các chuồng ngựa của Nga Hoàng tại đây chưa hề được sửa chữa lần nào.
Dĩ nhiên, không thể thiếu được sự can thiệp của kĩ thuật vi tính và nghệ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ dàn dựng, đã "lát" đường phố bằng những viên đá cao su cho có vẻ cổ kính. Nhiều viện bảo tàng và các nhà sưu tầm đồ cổ đã cho đoàn làm phim mượn hiện vật để tạo nên không gian sinh hoạt thời Dostoevski và các nhân vật trong tiểu thuyết của ông.
Về dàn diễn viên, khán giả không nhận thấy sự khác biệt lớn so với chân dung các nhân vật trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt. Theo lời đạo diễn, hầu như ông chọn diễn viên khá nhanh, riêng "bộ ba" thanh niên Raskolnikov, Sonia và Dunia - chị gái Raskolnikov là phải băn khoăn lưỡng lự một chút. Các nhà làm phim cố gắng để sao cho nhóm này cũng trẻ tuổi y như các nhân vật của tiểu thuyết - Sonia mới 17 tuổi, còn Dunia thì 20. Kết quả là Kachia Vasileva (Dunia) và Polina Filonenko (Sonia) được mời đóng vai trong bộ phim này.
Diễn viên Vladimir Kosevoi người Saint Peterburg được mời đảm nhận vai Raskolnikov, nhân vật chính trong phim. Ngoại hình của diễn viên này hoàn toàn phù hợp với chân dung Raskolnikov - một nhân vật chính diện trữ tình, với nét mặt thanh tú. Anh chàng diễn viên này đang đi nghỉ ở Thái Lan thì nhận được tin nhắn qua điện thoại di động báo tin được mời đóng nhân vật chính trong Tội ác và trừng phạt. Phản ứng đầu tiên của anh ta là không tin. Lập tức Kosevoi nhận được tin nhắn tiếp theo: "Đừng cắt tóc. Đừng cạo râu. Và điều chính yếu nhất là tuyệt đối đừng phơi nắng."
Vai Svidrigailov do Aleksandr Baluiev đảm nhiệm. Đạo diễn Dmitri Cvetozarov kể rằng ông mời diễn viên này vì anh ta có ngoại hình trùng hợp một cách đáng kinh ngạc với nhân vật thương gia Nga phương phi, mắt xanh biếc và có bộ râu dày rậm. Nữ diễn viên Elena Iakovlevna đóng vai mẹ Raskolnikov, gây nhiều tranh cãi cho các khán giả từng đọc tiểu thuyết của Dostoevski lần cuối cùng thời còn là học sinh trung học. Trong phim, bà Pulkheria Raskolnikova không phải là một bà lão già nua, mà chỉ là một phụ nữ trung niên khoảng ngoài bốn mươi tuổi.
Có thể, trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Dostoevski, nhân vật Porfiri Petrovich (do Andrei Panin đóng) không hoàn toàn tương đồng với mô tả của tác giả, nhưng ở đây, đạo diễn đã cho phép có một ngoại lệ. Ông nói: "Tôi cho rằng Andrei Panin là diễn viên đương đại duy nhất ở Nga hiện nay có thể diễn tả một cách khẳng định và say mê hình tượng mâu thuẫn, phức tạp và rất có thể là sâu sắc nhất trong tiểu thuyết này".
Cuối bộ phim, có một điều bất ngờ đối với những ai đã từng đọc tác phẩm của Dostoevski. Nhiều nhà phê bình ngỡ ngàng với kết thúc như vậy. Ngay từ thời còn học phổ thông, khán giả đã biết sau khi nghe cảnh tượng phục sinh của Lazar trong Kinh thánh từ lời kể của Sonia, Raskolnikov đã tỏ ra thực sự hối hận và "phục sinh cho một cuộc đời mới mẻ khác". Thế nhưng trong phim của Dmitri Svetozarov kết cục lại khác hẳn - nhân vật chính không hề hối cải, không hề thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống. "Nhân vật Raskolnikov của tôi sẽ gợi cho khán giả nhớ tới những điều khác hẳn: về GULAG, về trại giam, về những gì tiếp theo sau khi tội ác đã xảy ra, về việc hơn một trăm năm sau sẽ chẳng ai được ban tặng sự hối cải, - đạo diễn Dmitri Svetozarov nói - Thế kỉ 20 sẽ "viết tiếp" về tội ác của tên giết người thất bại, kẻ tiền bối của những tên sát sinh thành công hơn, giết chết nhiều triệu mạng người...".
(Nguồn: Văn Nghệ, Tổng hợp từ báo Nga)