Tại xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, những ngày này câu chuyện tưởng đã vùi chôn 43 năm lại được người dân bàn tán, khi ông Phan Thanh Việt, 71 tuổi, bị bắt theo lệnh truy nã đặc biệt.
Ông này vừa bị Công an tỉnh Quảng Ngãi di lý từ Cà Mau về, để điều tra hành vi cùng 4 đồng phạm sát hại 6 người trong một gia đình, cướp tài sản nửa thế kỷ trước.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1981, nhiều người tìm cách vượt biên bằng đường biển. Quảng Ngãi lúc này thuộc tỉnh Nghĩa Bình, có nhiều làng biển với ngư dân đi khơi xa, nên nhiều người miền Nam tìm cách liên hệ để tổ chức vượt biên. Những chuyến đi thành công sẽ được trả bằng một khoản tiền, vàng lớn.
Phan Thanh Việt lúc đó 28 tuổi, xuất thân trong gia đình nghèo, cưới vợ được vài năm, được người làng biển miêu tả là thanh niên mạnh mẽ, khéo ăn nói. Anh ta có đặc điểm ngoại hình dễ nhận dạng là cụt nhiều đốt ngón tay.
Theo cơ quan điều tra, Việt đã cùng 4 đồng phạm ở huyện Bình Sơn lên kế hoạch tìm người muốn vượt biên, dụ họ tham gia đường dây của mình rồi sát hại, cướp của. Họ sau đó kết nối với gia đình ở Sài Gòn gồm ba người đàn ông, hai phụ nữ và một cậu bé dưới 10 tuổi.
Một ngày tháng 4/1981, cả 6 người trong gia đình xuất hiện ở vùng biển Bình Châu. Dáng vẻ sang trọng khiến họ được một số người dân để ý đến, đặc biệt là cậu bé với gương mặt sáng. Tuy nhiên, không có chuyến tàu nào đợi để đưa họ sang bờ bên kia.
Theo lời khai của Việt, đêm hôm đó ông ta lừa 6 người ra bờ biển xóm Châu Tân - nơi hẻo lánh của thôn Châu Thôn Biển với những bãi cát trải dài và rừng dương u tịch. Trong nhóm Việt có người làm xã đội trưởng, sở hữu súng, nên chúng đã bắn cả 6 người, cướp toàn bộ số vàng họ mang theo (để trả công cho người tổ chức vượt biên và dự trữ nếu sang được bờ bên kia). Sau đó, nhóm Việt chôn các nạn nhân dưới hố cát, chia vàng rồi ai về nhà nấy.
Vài ngày sau, Việt vào Sài Gòn tìm người thân của các nạn nhân, vì theo thỏa thuận, nếu đưa người đi thành công, nhóm anh ta sẽ được nhận thêm một khoản tiền nữa. Nhưng Việt không biết gia đình họ đã có một giao ước bí mật. Trước khi đi, họ đã cắt đôi một đồng tiền, đưa cho người ở Sài Gòn một nửa, dặn rằng "nếu có nguời cầm nửa tờ tiền còn lại đến gặp thì là tin vui, tức đã vượt biên thành công".
Khi người thân của các nạn nhân hỏi "nửa tờ tiền đâu?", Việt ngớ người rồi lấy cớ bỏ ra ngoài, lẩn trốn lên các tỉnh miền Tây. Anh ta dừng chân ở miệt sông nước Cà Mau.
Tại xóm biển Châu Tân, những chú chó đánh hơi thấy mùi tử khí, giúp người dân phát hiện vụ án chấn động. Công an tỉnh Nghĩa Bình lập chuyên án, hàng chục cảnh sát tinh nhuệ vào cuộc điều tra.
Một thời gian sau công an bắt được 3 người; 2 người còn lại bị truy nã, trong đó có Việt. Khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa tuyên tử hình 2 người, kẻ còn lại lĩnh án chung thân về tội Tổ chức giết người và Cướp của.
Đồng phạm trốn truy nã của Việt sau đó bị cảnh sát phát hiện, chống trả quyết liệt nên đã bị bắn chết.
Tại ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau, Việt lấy tên là Đàm Xuân Trí. Với vẻ ngoài chất phác, ông ta được nhiều người tin tưởng. "Ở vùng đó nhiều người chưa biết chữ. Còn tôi đã học hết lớp 3, biết đọc biết viết thành thạo nên nhiều gia đình nhờ dạy chữ cho con em họ", Việt khai với Công an Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khi trưởng ấp đề xuất đi học bổ túc thì ông ta từ chối vì sợ bị lộ.
Việt sau đó cưới vợ mới, sinh con, làm nhiều công việc để mưu sinh, chủ yếu là nghề chài lưới vùng sông nước.
Suốt 43 năm qua, nhiều thế hệ Công an tỉnh Quảng Ngãi vẫn đau đáu với hồ sơ truy nã đặc biệt kẻ giết người tàn bạo. Họ đã truy lùng, xác minh hàng trăm người ở các địa phương nhưng Việt vẫn bặt vô âm tín.
Cuối năm 2023, từ nguồn tin về một người đàn ông bị cụt 4 ngón tay ở Cà Mau, công an đã trích xuất dữ liệu và nhận ra nhiều đặc điểm trùng khớp với kẻ gây án năm 1981. Một tuần trước, khi Việt đang ngồi trong nhà thì 4 công an xã cùng cảnh sát hình sự Quảng Ngãi xuất hiện, yêu cầu về trụ sở làm việc.
"Lúc đó, tôi biết mình bị bắt", Việt khai. Với đặc điểm nhận dạng cụt nhiều đốt ngón tay, ông ta nhanh chóng thừa nhận tội.
Trà Giang - Phạm Linh