Trương Hồng là doanh nhân kín tiếng, sinh năm 1968 ở Nội Mông, chủ một nhà máy gạo, chuỗi khách sạn, cửa hàng, dịch vụ du lịch. Ông Trương quen Hồ Phương Quyền - người rất nổi tiếng trong giới tài chính tư nhân và giới xã hội đen...
Quyền có một công ty đầu tư tài chính làm bình phong cho hoạt động cho vay nặng lãi và các sòng bạc ngầm. Quyền còn làm giàu từ đường dây chuyên đưa người trái phép sang Tây Âu.
Ông Trương là doanh nhân giàu có nhưng nghiện bài bạc, nhanh chóng trở thành "khách vay nợ ruột" của Quyền. Năm 2010-2012, số nợ đã lên gần 27 triệu nhân dân tệ, chưa kể lãi cắt cổ. Quyền tự tin Trương Hồng là kẻ có tiền, lai lịch rõ ràng, chắc chắn không dám bùng.
Ngày 10/6/2012, biết ông Trương đi công tác ở Thượng Hải, Quyền yêu cầu ghé qua Hàng Châu để trả nợ. Trương đồng ý, mời Quyền đến ăn cơm, xin giãn nợ nhưng Quyền đập bàn giận dữ vì thấy cả đám nhân viên của con nợ đi cùng. Quyền yêu cầu ông Trương một mình đến gặp ở khách sạn.
Các nhân viên của Trương cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của ông chủ nhưng không thể làm gì hơn là đợi quay lại. Mãi 23h, vợ ông Trương ở Nội Mông bất ngờ gọi cho họ, nức nở kể có người vừa gọi điện cho bà, tuyên bố đã bắt cóc chồng và "nhốt lại". Đám nhân viên biết sếp đã gặp chuyện với Quyền nên sáng hôm sau đi báo cảnh sát.
Cảnh sát không quan tâm lắm vì cho rằng đây là vấn đề cho vay dân sự. Nhưng khi nghe qua miêu tả về Quyền, họ dường như ngay lập tức nhận ra người này là ai, và chuyện không đơn giản nên mở cuộc điều tra.
Khách sạn Quyền và Trương hẹn nhau là một trong những địa điểm sang trọng nhất ở Hàng Châu, với camera an ninh tỉ mỉ. CCTV từ khách sạn ghi lại cảnh hai người đàn ông đến khách sạn lúc 18h30 và rời đi sau một giờ, cùng bước lên một chiếc ô tô.
Dù nỗ lực theo dấu chiếc xe nhưng cuộc điều tra bế tắc nhiều tuần, trong khi vợ của ông Trương nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những kẻ bắt cóc đòi tiền. Trong điện thoại, giọng con tin hổn hển cầu xin đầy đau đớn. Đến đầu tháng 8, Trương nói với vợ có lẽ mình sắp chết.
Vợ Trương đã thế chấp tất cả tài sản, bán các công ty, vay mượn từ người thân nhưng chỉ kiếm được 6 triệu nhân dân tệ gửi trả Quyền vào một tài khoản chỉ định sẵn.
Cảnh sát tiếp tục truy lùng Quyền song điều này rất khó khăn vì hắn không có địa chỉ cố định, thậm chí đã lôi con tin qua hơn 80 địa điểm.
Cuối cùng, cảnh sát chuyển hướng sang tìm những kẻ liên quan đến Quyền, đầu tiên là chủ nhân của số tài khoản ngân hàng nhận tiền chuộc, chính là vợ Quyền. Khi bị bắt, cô ta phủ nhận mọi liên quan, còn chìa giấy ly hôn ký đầu tháng 6, tức chỉ vài ngày trước vụ bắt cóc, nhường mọi tài sản cho vợ. Nói cách khác, Quyền đã chuẩn bị rất kỹ cho việc "chơi lại" giới điều tra.
Cảnh sát lại chuyển sang theo dấu tình nhân của Quyền, phát hiện họ đã trao đổi qua điện thoại về kế hoạch trốn ra nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng ra truy nã đỏ của Interpol với Quyền vì tin rằng hắn ta đang trên đường đến châu Âu. Điều này chính xác.
Với kinh nghiệm buôn người lâu năm, Quyền từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, lẻn vào Myanmar và một vài quốc gia khác tới Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, định vào châu Âu. Nhưng kế hoạch đã thất bại. Cách biên giới Hy Lạp hoặc khoảng vài trăm mét, Quyền bị lực lượng tuần tra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại và giam giữ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã thẩm vấn nhưng họ không biết Quyền đang bị truy nã quốc tế. Hắn nói đến từ Hong Kong, do đó Quyền bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ gửi trả về Hong Kong, phần lãnh thổ không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu toàn bộ số tiền của Quyền nghĩa là tay trắng đến Hong Kong. Quyền liên lạc với một người bạn họ Mã ở đại lục, nhờ giúp ít tiền qua Hong Kong.
Song cảnh sát Trung Quốc giám sát mọi đồng bọn của Quyền 24/24h, giao dịch này không thể bị qua mắt. Mã bị bắt, khai ra tung tích của Quyền.
Tháng 2/2013, cảnh sát lần ra được Quyền ở Thái Lan, phối hợp bắt giữ. Quyền thừa nhận bắt cóc ông Trương song sau đó đã thả vì nhận ra nhà ông không đủ tiền trả. Sau đó nam doanh nhân đi đâu, Quyền không rõ. Tại Trung Quốc, 13 đồng bọn của Quyền trốn rải rác khắp nơi, cũng bị bắt, kể lại câu chuyện tương tự ông chủ.
Sau nhiều lần thẩm vấn, hai đàn em của Quyền đưa ra phiên bản khác. Theo đó, ngày 31/8/2012, sau khi nhận ra gia đình Trương sẽ không thể có đủ 27 triệu nhân dân tệ, Quyền đã ra lệnh giết ông Trương. Quyền ra lệnh làm một chiếc lồng sắt, còng tay Trương và ép anh vào lồng rồi khóa lại. Nửa đêm, họ đem Trương trong chiếc lồng sắt vứt xuống hồ chứa nước ở Lệ Thủy, Chiết Giang rồi rời đi.
Nghe lại lời khai này, Quyền nói "cũng có thể" song một mình khẳng định không biết, không liên quan.
Tìm lại chiếc lồng sắt là nhiệm vụ không dễ dàng. Khu vực mà chiếc lồng được ném vào thuộc đập Tankeng, khi đó là hồ nhân tạo lớn nhất và sâu thứ hai trên thế giới, đủ sâu để nhấn chìm toàn bộ những tòa nhà chọc trời. Tìm kiếm một chiếc lồng nhỏ là việc mò kim đáy bể.
Hoạt động trục vớt bắt đầu vào tháng 4/ 2013 với sự tham gia của cảnh sát và các chuyên gia khoa học suốt nửa năm không kết quả. Trong khi chờ đợi, ba phiên tòa riêng biệt đã được tổ chức vào tháng 6, tháng 8 và tháng 9, nơi Quyền và các đồng bọn liên tục đổi lời khai.
Ngày 28/12/2014, sau gần 2 năm tìm kiếm, nhờ đến các chuyên gia Mỹ và robot hiện đại, chiếc lồng chứa thi thể được trục vớt từ một khe nước ở độ sâu 80 m.
Chiếc lồng có kích thước 60 × 70 × 70 cm trong khi Trương cao 1,8 mét, qua 2 năm, đã trải qua quá trình phân hủy nặng nề. Mẫu ADN đem đi giám định đã khẳng định thi thể thuộc về Trương.
Thi thể được tìm thấy khiến việc buộc tội Quyền đơn giản hơn nhiều. Quyền và 2 đồng phạm bị truy tố tội Cố ý giết người, trong khi 6 người khác bị buộc tội Bắt cóc.
Phiên tòa bắt đầu ngày 11/2/2015, Quyền vẫn phủ nhận mọi liên quan và không nhận tội. Theo cáo trạng, ngày 31/8/2012, nạn nhân Trương được cho ăn một bữa ăn cuối cùng trước khi bị còng tay và buộc vào lồng sắt. Hai đồng bọn của Quyền biết thi thể đã được tìm thấy, không còn muốn chối.
Ngày 16/3/2015, tòa tuyên tử hình với Quyền và một bị cáo khác. Các đồng phạm còn lại nhận án chung thân và tù có thời hạn. Hồ Phương Quyền bị thi hành án ngày 12/12/2016.
Đây được xem là một trong những vụ án mạng khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc với cái tên "Xác chết trong lồng sắt".
Hải Thư (Theo China Daily, Baike, Sina, The Legends Media)