Theo thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình, trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, hành vi của thủ phạm Nguyễn Đức Nghĩa đã đầy đủ dấu hiệu của tội giết người, điều 93 Bộ luật hình sự.
"Không như những vụ án mạng thông thường, thủ phạm trong vụ này có ít nhất 3 tình tiết định khung tăng nặng. Đó là “giết người mà liền ngay sau đó phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ”; và “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại các điểm e, i và n khoản 1 Điều 93", ông Bình đánh giá.
Theo luật sư, điều này thể hiện ở việc cơ quan điều tra xác định sau khi sát hại người yêu cũ, Nghĩa đã phi tang và xóa dấu vết ngay. Anh ta dùng dao cắt đầu và 10 đầu ngón tay nạn nhân để cản trở việc nhận diện rồi vứt thi thể cô gái lên sân thượng của tòa nhà chung cư 13 tầng trên ở khu Trung Yên, Hà Nội.
Nguyễn Đức Nghĩa (đeo kính) được áp giải về cơ quan điều tra. Ảnh: Công an Nhân dan. |
Hung thủ thể hiện việc có tính toán khi mang đem phần thi thể đã cắt của nạn nhân vượt gần 200 km về sông Cấm (Quảng Ninh) để phi tang. Nghĩa còn dùng máy điện thoại của nạn nhân nhắn tin vào máy của em trai cô này bảo sẽ đi công tác ít ngày… nhằm đánh lạc hướng gia đình. Đó là chưa kể việc hắn mua sơn về quét lại để che giấu những vết máu bắn trên tường nhà vệ sinh...
Theo luật sư Bình, hành vi của Nghĩa ngoài tình tiết định khung tăng nặng đã nêu còn có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đó là “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”.
Đánh giá về tội ác của kẻ thủ ác có khuôn mặt trí thức, đeo kính cận này, luật sư Trương Anh Tú nhận định: "Hành vi giết người được thực hiện hết sức man rợ".
Ông Tú cho rằng với lời khai ban đầu của Nghĩa là giết người do ghen tuông thì anh ta tiếp tục phải chịu thêm tình tiết tăng nặng khác là "có tính chất côn đồ". Với những phân tích trên, luật sư này cho rằng việc Nghĩa phải đối mặt với mức án cao nhất của tội giết người (chung thân hoặc tử hình) là "điều dễ xảy ra".
Cũng theo luật sư Tú, hung thủ là một người được giáo dục đàng hoàng nhưng lại có tội ác ghê người và có tính toán. Anh ta có hiểu biết về cách đối phó với cơ quan pháp luật như cắt đầu, cắt các ngón tay, lột quần áo... gây khó khăn cho công an trong quá trình điều tra.
Theo luật sư Nông Thị Hồng Hà, ngoài tội giết người, Nghĩa còn có hành vi cướp tài sản. "Dù có ý định chiếm đoạt tài sản của nạn nhân từ trước hay ý định này chỉ nảy sinh sau khi giết người thì hành vi tẩu tán, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân mà Nghĩa đã thực hiện vẫn có dấu hiệu của tội cướp tài sản (điều 133 Bộ luật hình sự)", bà Hà đánh giá.
Nữ giám đốc Công ty Luật Hồng Hà cho rằng, hành vi cướp tài sản của Nghĩa nếu xét theo mức độ đặc biệt nghiêm trọng của hậu quả thì rơi vào tình tiết quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 133. Mức hình phạt quy định đối với khoản này từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp xem xét hành vi cướp tài sản của Nghĩa theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt (giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng) thì cũng rơi vào tình tiết quy định tại điểm 2, khoản 2 Điều 133, với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
"Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội, khả năng Nghĩa sẽ bị phạt với mức án cao nhất là điều khó tránh khỏi", luật sư Hà cùng chung nhận định với ông Tú.
Về góc độ xã hội, thạc sĩ Bình cho rằng đây là bài học cảnh tỉnh với thế hệ trẻ trong việc lựa chọn các mối quan hệ, cũng như cách xử sự.
"Việc Nghĩa trẻ tuổi có học thức nhưng lại giết người man rợ đã phản ánh sự phức tạp về tâm lý tội phạm và sự đa dạng thực hiện hành vi phạm tội trong xã hội hiện nay", ông Tú nhận xét.
"Kẻ thủ ác chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nỗi đau của gia đình nạn nhân cùng với thời gian rồi cũng sẽ nguôi ngoai nhưng những bài học rút ra từ vụ án đau lòng này chắc sẽ luôn mới với tất cả mọi người", ông Bình nói.
Anh Thư