![]() |
Cảnh trong vở Bến bờ xa lắc (Nhà hát Tuổi Trẻ). |
Chuyện kịch xảy ra trong gia đình Thuý - Tùng. Thói quen sinh hoạt của gia đình trí thức công chức đã làm cho người vợ, Thuý, trở thành công cụ, thành một thứ robot vô cảm, một cái bóng của chồng. Nhưng hiện thực đời thường cứ ngồn ngộn như dòng sông chảy xiết, lôi kéo, cuốn trôi những con thuyền nhỏ bé ngu ngơ. Hiện thân của dòng sông cuộc đời ấy là Phương, người yêu của Quang (con trai Thuý), là Trung, bạn của gia đình Thuý... Họ tràn vào phá vỡ thói quen ngàn năm, thức tỉnh những xúc cảm trong tâm hồn Thuý. Như một con kén ngủ lâu ngày thức dậy, Thuý bay vào đời bằng đôi cánh ngu ngơ chủ quan của mình. Cô lao vào yêu Trung một cách mù quáng và tuyệt vọng. Thế nhưng nếu mọi việc cứ diễn tiến theo cách lao đi như mũi tên thẳng ấy của Thuý thì có lẽ sẽ không dẫn đến bi kịch mà Thuý phải trả giá. Người bạn trai đã không đủ sức để bay cùng Thuý. Anh không đủ can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để cùng Thuý tạo lập cuộc sống mới bởi anh chỉ đủ gan làm một cuộc ngoại tình vụng trộm như một cuộc "cách mạng trong chén trà". Trong phút hấp hối, cô đau đáu tự hỏi: "Trở lại như xưa ư? Khủng khiếp quá! Sao tôi cô đơn thế này?" để rồi ngộ ra rằng: bến bờ hạnh phúc đã trở nên xa lắc trong nhịp sống hiện đại.
Bến bờ xa lắc, tác phẩm đầu tay của nữ tác giả Lê Thu Hạnh, lúc ấy là một gương mặt mới toanh trong làng kịch bản. Song đứa con tinh thần vừa trình làng ấy đã ẵm giải Nhì cuộc thi kịch bản sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1995. Và năm 1996, trong liên hoan sân khấu nhỏ chuyên nghiệp toàn quốc tại Hoa Lư (Ninh Bình), Bến bờ xa lắc, với sự sáng tạo của dàn diễn viên Lê Khanh, Đức Trung, Chí Trung, Lan Hương..., đã gặt hái huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc. Riêng NSND Lê Khanh (vai Thuý), nhân vật kịch chính, đã giành giải diễn viên xuất sắc tại liên hoan. Khi tiếp xúc bằng văn bản, có thể thấy Thúy phảng phất hình nét, tính cách của mấy nhân vật nữ nổi loạn của Liev Tolstoi (trong Anna Karenina), của Ibsen (trong Nhà búp bê), của Flobe (trong Bà Bovary). Song khi lên sàn diễn, Lê Khanh đã bồi đắp bằng "hơi hướm" riêng của mình, đã xử lý những chuyển đoạn phức tạp của nhân vật, đã phát âm, buông câu nhả chữ rồi điều tiết những cử động hình thể... khiến Thuý của chị có bản sắc riêng.
Bến bờ xa lắc có tính chất cô đọng về dung lượng, vốn là kịch bản được viết riêng cho sân khấu nhỏ. Với loại sân khấu không đòi hỏi quá nhiều phương tiện kỹ thuật và ước lệ đến mức tối đa việc trang trí, dàn cảnh, vở diễn Bến bờ xa lắc (năm 1996) đã thể hiện rõ nhất khả năng tưởng tượng, bay bổng của tư duy đạo diễn trong xử lý không gian sân khấu. Đạo diễn Xuân Huyền cho biết, anh rất hài lòng vì đã nói được khá nhiều bằng ngôn ngữ riêng của mình, bằng việc tận dụng lối ước lệ của sân khấu truyền thống vào việc giải phóng không gian sân khấu.
Tuy nhiên, lần tái dựng này, Bến bờ xa lắc lại phải biểu diễn ở sàn diễn vốn dành cho sân khấu lớn (Nhà hát Lớn). Hơn nữa, lại bị hạn chế trong không gian "đóng hộp" của vô tuyến truyền hình. Mà đã là "đồ hộp" thì khó "tươi" được bởi khán giả không thể đến rạp để xem tận mắt, nghe tận tại. Nhưng với một kịch bản hay, đạo diễn giỏi, dàn diễn viên sao sáng như trên, Bến bờ xa lắc vẫn có thể là đồ ngon, theo kiểu riêng của "đồ hộp".
H.H.