Từ những máy bán hàng tự động của Coca-Cola năm 1982 đến những robot lắp ráp điện thoại trong các nhà máy hiện nay, IoT đã được ứng dụng trong vô số lĩnh vực và thiết bị khác nhau. Giới phân tích dự đoán đến năm 2020, có khoảng 46 tỷ thiết bị sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu IoT để hoạt động.
Tại Việt Nam, Nokia nhận định tốc độ tăng trưởng IoT đạt 19% mỗi năm trong 5 năm tới. Internet vạn vật đang hiện diện trong nhiều thiết bị kết nối từ 2G, 3G cho đến 4G/LTE. Nhiều hệ thống vẫn sử dụng mạng 2G do tận dụng thiết bị cũ, tiêu thụ năng lượng thấp... Có nghĩa, trong thời đại công nghệ cao, 2G vẫn tồn tại và tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng thời gian tới.
Ông Harald Preiss, Giám đốc Nokia Bắc Á, cho hay: "Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hình thành, IoT sẽ phát huy tác dụng và mang lại lợi tích lớn trong ba lĩnh vực là y tế, chăm sóc sức khỏe; công nghiệp 4.0 như tự động hóa trong các nhà máy; nhà thông minh, thành phố thông minh".
![toc-do-tang-truong-iot-tai-viet-nam-dat-19](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/04/13/Nokia-4642-1492051465.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VLeXdz59WvZox-dPz-LKGA)
Đại diện Nokia chia sẻ về xu hướng IoT và thành phố thông minh tại Việt Nam.
Hãng Phần Lan đã ủy quyền cho Machina Research nghiên cứu và thực hiện báo cáo Smart City Playbook' (Hướng dẫn xây dựng thành phố thông minh). Dựa trên việc phân tích quá trình xây dựng 22 thành phố thông minh trên thế giới, báo cáo đã tổng kết ba lộ trình tiếp cận thành phố thông minh nhằm giúp các nước như Việt Nam có thể lựa chọn và kế hoạch để phát triển thành phố thông minh an toàn và bền vững.
Với lộ trình "mỏ neo", thành phố trước tiên chọn triển khai một ứng dụng duy nhất để giải quyết một vấn đề cấp bách như tắc nghẽn giao thông, sau đó dần mở rộng các ứng dụng khác theo thời gian.
Với lộ trình "nền tảng", thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cần thiết để hỗ trợ rộng rãi các ứng dụng và dịch vụ thông minh trong nhiều lĩnh vực.
Còn trong lộ trình "Thành phố Beta", thành phố thực hiện thử nghiệm nhiều ứng dụng cùng lúc để kiểm thử mức độ hiệu quả trước khi đưa ra quyết định triển khai dài hạn.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, dù các thành phố chọn áp dụng một lộ trình như nhau thì giữa họ vẫn có sự khác biệt. "Không ai có thể khẳng định xây dựng thành phố thông minh là việc đơn giản. Có quá nhiều lựa chọn. Các mô hình công nghệ và kinh doanh phát triển nhanh chóng dẫn đến sự thiếu ổn định ở nhiều mức độ. Các tiêu chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thiện", ông Jeremy Green, chuyên viên phân tích của Machina Research, cho hay.
Trước sự phức tạp đó, ông Preiss cho biết mục tiêu của Nokia khi thực hiện báo cáo là để loại bỏ những điều không cần thiết và xác định các chiến lược đã được chứng minh hiệu quả.