Cách đây vài năm trước, khi công bố điện thoại flagship mới, các hãng thường đề cập đến "bộ xử lý mạnh hơn 50%" hay "đồ họa nhanh gấp đôi" so với thế hệ trước đó. Khi đánh giá smartphone cao cấp, các trang công nghệ cũng quan tâm tới thông số kỹ thuật phần cứng vì việc bộ vi xử lý được sản xuất trên tiến trình nào sẽ cho thấy sự cải tiến đáng kể về hiệu suất.
Chẳng hạn, chip Apple A4 trên iPhone 4 được sản xuất theo tiến trình 45 nm với 149 triệu bóng bán dẫn. Một năm sau đó, Apple A5 đạt tiến trình 32 nm với số transitor tăng vọt lên 995 triệu, mang lại sức mạnh đáng kể, vì số bóng bán dẫn tỷ lệ thuận với hiệu suất của CPU.
Tuy nhiên, những năm gần đây, kích cỡ chip ngày càng khó thu nhỏ. A15 Bionic trên iPhone 13 theo tiến trình 5 nm có 15 tỷ bóng bán dẫn. Một năm sau, A16 là chip đầu tiên dành cho smartphone theo công nghệ 4 nm đạt 16 tỷ transistor, tức chỉ tăng 6,7% so với thế hệ trước. Còn hiện iPhone 15 Pro Max sử dụng chip A17 Pro 3 nm với 19 tỷ bóng bán dẫn.
Theo PhoneArena, các nhà sản xuất hiện nay không còn đề cập tốc độ cụ thể của chipset trên smartphone cao cấp nữa. Trên các diễn đàn công nghệ, chủ đề thảo luận về tần số xung nhịp, điểm hiệu năng (benchmark) cũng gần như biến mất, vì điểm số thay đổi không quá lớn 2-3 thế hệ chipset. Thay vào đó, người tham gia bàn nhiều hơn về khả năng tính toán và xử lý AI, cải tiến kết nối, hệ thống đồ họa mới như ray tracing.
Nguyên nhân là chip đã xử lý đủ nhanh và đạt đến tiến trình 3 nm, xung nhịp 4 GHz, do đó các cải tiến về sau sẽ khó tạo sự vượt trội so với hiện tại. Ngoài ra, các nhà sản xuất smartphone cũng phải cân bằng giữa hiệu năng và mức tiêu thụ năng lượng.
Theo các chuyên gia, phiên bản 2 nm do TSMC sản xuất vào năm tới được ước tính cũng chỉ nhanh hơn 10% so với chip 3 nm N3E sắp có trên iPhone 16. Trong thời gian tới, khái niệm về điện thoại cao cấp sẽ không nằm ở chip xử lý mà ở bộ công cụ cùng các tính năng mà thiết bị đó mang lại.