Chiều 12/8, tọa đàm giao lưu Toán học - từ những chiều ẩn giấu với khách mời là GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, PGS Phan Toàn Thắng - nhà đồng sáng lập tập đoàn y sinh Cellresearch Corp ở Singapore và GS Dương Nguyên Vũ (Đại học NTU Singapore). Các diễn giả đều cho rằng trong nhiều vấn đề của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, Toán học luôn liên quan, có ý nghĩ quan trọng.
"Cuộc cách mạng 4.0 với những tiến bộ lần này bản chất là Toán. Toán học sẽ trở thành nền tảng quan trọng nhất trong thời gian tới. Một thế giới mới với những vấn đề mới đang xuất hiện và Toán chính là chìa khoá để giải quyết các vấn đề ở thế giới này", Chủ tịch Trương Gia Bình nói.
Cựu sinh viên khoa khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow (Liên Xô cũ) phân tích, bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống từ điều tiết giao thông đường bộ, hàng không, lĩnh vực y tế hay kinh tế… đều có thể dùng máy móc với nền tảng Toán học để giải quyết. Thế giới đã xuất hiện ôtô được vận hành bởi máy tính, ngành y học tiến tới sử dụng công nghệ 3D trong in lắp bộ phận vào cơ thể, hay tương lai là trí tuệ nhân tạo giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống… Một thế giới con người không nhìn thấy bằng mắt đều phải dựa vào Toán để triển khai.
Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đang cạnh tranh và chi những khoản lớn gấp 3-4 lần để thu về "không hạn chế" các tiến sĩ Toán. Nhiều công ty lớn trên thế giới cũng tìm đến Việt Nam một phần vì có nhiều nhân tài Toán học, có thể giúp họ giải được bài toán của tương lai.
"Thời các bạn đã đến. Tôi rất mong các bạn đang là trung tâm, rốn của Toán học đất nước sẽ kết nối Toán với vận mệnh của quốc gia trong 10-15 năm tới. Nếu các bạn kết nối được thì thế giới sẽ đến đây với chúng ta", ông Bình khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục theo đuổi Toán học và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
PGS Phan Toàn Thắng cũng chia sẻ tương lai các bác sĩ chẩn đoán giải phẫu bệnh lý, chẩn đoán hình ảnh có thể bị mất việc bởi máy tính thay thế. Những trí tuệ nhân tạo với khả năng đọc được chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh lý sẽ làm thay công việc cho con người. Trí tuệ này với kho dữ liệu đều dựa trên nền tảng toán học để phân tích và đưa ra các quyết định.
Nhà sáng chế tế bào gốc từ dây rốn cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn thấy và đón đầu sự chuyển biến của thời đại để khởi nguồn cuộc cách mạng 4.0 trên nền tảng Toán học, trở thành trung tâm về số liệu của thế giới. Lý do là người Việt có khả năng hàn lâm rất cao, giỏi các môn môn khoa học cơ bản. Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý Quang Diệu đã nhìn ra "nguồn tài nguyên" này và tìm cách chiêu mộ nhân tài Toán học của Việt Nam sang du học để phát triển cho nước họ.
"Chúng ta nên học ở Singapore sự thực dụng. Ông Lý Quang Diệu đã đưa ra 3 nguyên lý để tiến thân là bằng năng lực, chữ tín và sự thực dụng. Bản thân sự thành công của tôi trong việc phát triển công nghệ tế bào gốc cũng nhờ thương mại tốt sản phẩm đơn giản là dưỡng da từ tế bào gốc rồi có tiền đầu tư cho nghiên cứu... Các nhà Toán học của ta, bên cạnh việc nghiên cứu cũng cần quan tâm, biết cách kiếm ra tiền để phục vụ bản thân và phát triển đất nước", ông Thắng nói.
Các diễn giả của tọa đàm đều đồng tình rằng, Toán học ở Việt Nam được coi trọng, đầu tư và đã có những tiến bộ đáng kể trong việc dạy, học và nghiên cứu. Bằng chứng là những công bố khoa học, thành tích về toán học có sự cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo GS Ngô Bảo Châu, việc ứng dụng Toán trong phát triển sản xuất, kinh tế... vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. "Việc Toán học ngày càng thể hiện vai trò rõ nét hơn trong phát triển công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức kinh tế... là cơ hội rất lớn để đất nước Việt Nam có được sự chuyển mình", GS Châu nói.