Thông tin vừa được Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố hôm 16/11. Tổ chức nghiên cứu này ước tính khối nợ toàn cầu chạm 310.000 tỷ cuối năm nay, tăng 25% so với 5 năm trước. Họ cũng cảnh báo các biến động chính trị có thể kéo con số này lên cao nữa vào năm tới.
Emre Tiftik - Giám đốc nghiên cứu tại IIF cho biết năm sau có hơn 50 cuộc bầu cử trên thế giới, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. "Khi chính trị ngày càng phân cực và căng thẳng leo thang, các cuộc bầu cử sắp tới có thể mở đường cho nhóm chính sách theo chủ nghĩa dân túy. Điều này có thể làm tăng chi tiêu chính phủ và nợ công. Các thị trường sẽ càng biến động mạnh", ông giải thích.
Tiftik cảnh báo việc trả nợ sẽ siết nguồn thu trên toàn cầu. Trong đó, nợ tại Pakistan và Ai Cập đã chạm mức báo động. Tại Mỹ, số tiền trả lãi của chính phủ được dự báo chạm 15% thu ngân sách năm 2026, tăng so với 10% hiện tại.
70% mức nợ tăng thêm quý trước là từ các nước phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh. Các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.
Dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu hiện vẫn quanh 333%, số liệu này tại nhóm nước mới nổi tăng tới 32% so với 5 năm trước, lên 255% hiện tại.
IIF cho biết nợ công là nhóm tăng mạnh nhất trong quý III. Ở nhiều nước, thâm hụt ngân sách hiện vẫn cao hơn nhiều so với tiền đại dịch. Báo cáo cũng cho biết khối nợ công bị coi là vỡ nợ đã lên tới 554 tỷ USD tính đến cuối năm 2022. Nửa số đó là trái phiếu.
Gánh nặng nợ với các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đang tăng tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, báo cáo của IIF cho biết nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp đang xuống thấp nhất nhiều năm, do môi trường tài chính bị thắt chặt và rủi ro địa kinh tế tăng.
Hà Thu (theo Reuters)