Vệt khói thiên thạch để lại trên bầu trời sau khi nó lao xuống vùng Chelyabinsk của Nga hôm 15/2. Ảnh: RIA Novosti. |
Ngày 15/2, một khối thiên thạch từ vũ trụ lao xuống vùng Chelyabinsk thuộc miền trung nước Nga vào khoảng 9h sáng. Nó bốc cháy trong khí quyển, gây nên tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa trên bầu trời. Vụ nổ khiến gần 1.200 người bị thương và gây thiệt hại vật chất hàng chục triệu USD. Xung chấn từ vụ nổ khiến hàng vạn cửa sổ trong vùng vỡ tan. Phần lớn nạn nhân bị thương nhẹ do các mảnh kính vỡ văng vào cơ thể.
"Đột nhiên bầu trời sáng lòa, không giống như khi các bóng điện được bật, mà giống như mọi vật được chiếu sáng bởi một thứ ánh sáng trắng bất thường", một giáo viên trong vùng Chelyabinsk kể.
Một người dân khác ví tiếng nổ giống như âm thanh của một con tàu rơi từ trên trời.
"Lúc đầu mọi người nghĩ rằng đó là một máy bay nổ tung trên không", nhân chứng này nói.
Giới chức Nga thống kê được hơn 3.700 công trình, tòa nhà hư hại do thiên thạch rơi. Cửa sổ của khoảng 700 trường học, hơn 200 bệnh viện và các công trình an sinh xã hội vỡ vì sức ép. Chính quyền huy động hơn 24.000 người để khắc phục hậu quả của vụ việc, từ lắp lại kính trên các cửa sổ tới dọn dẹp các đống đổ nát.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định rằng thiên thạch rơi tại Nga có khối lượng tới 10.000 tấn, chiều rộng 17 m. Đường bay của nó tạo với mặt đất một góc 20 độ. Nó nổ tung ở độ cao 20-25 km, giải phóng khoảng 300 kiloton năng lượng, tương đương sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Các chuyên gia của NASA khẳng định đây là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm qua.
Sức ép từ vụ nổ thiên thạch lớn đến nỗi 11 trong tổng số 45 trạm theo dõi sóng hạ âm của Tổ chức Hiệp ức Cấm thử hạt nhân toàn diện phát hiện nó.
Những người sưu tầm thiên thạch trên khắp thế giới đã tới vùng Chelyabinsk để tìm kiếm những mảnh vỡ của khối thiên thạch. Các nhà khoa học Nga cho hay họ đã tìm thấy 53 mảnh thiên thạch tại hồ Chebarkul gần Chelyabinsk. Chiều rộng của mọi mảnh đều nhỏ hơn 10 mm. Một số chuyên gia cho rằng không mảnh vỡ lớn nào có thể tồn tại, bởi thiên thạch chủ yếu cấu tạo từ băng và gần như hoàn toàn bốc hơi trong quá trình thâm nhập vào bầu khí quyển địa cầu.
Một số người đã rao bán các "mảnh vỡ thiên thạch" trên mạng với giá từ 3 tới 33 USD. Hôm nay cảnh sát ở vùng Chelyabinsk của Nga đã tịch thu một "mảnh vỡ thiên thạch" mà một người đàn ông địa phương rao bán.
"Chúng tôi phát hiện một người đàn ông sinh năm 1984 tại vùng Chelyabinsk rao bán một cục vật chất có khối lượng chừng 60 gram trên mạng Internet. Anh ta khẳng định rằng nó là mảnh vỡ từ thiên thạch hôm 15/2", Anzhelika Chirkova, người phát ngôn của cảnh sát, thông báo.
Hiểm họa từ thiên thạch khiến nhiều chính trị gia và cựu phi hành gia lo ngại. Tuần trước Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố ông sẽ trình đề xuất thiết lập một hệ thống ngăn chặn thiên thạch lên Thủ tướng Dmitry Medvedev vào ngày 18/2.
Rusty Schweickart, một cựu phi hành gia từng bay cùng phi thuyền Apollo của Mỹ, kêu gọi các chính phủ theo dõi hoạt động của các vật thể gần trái đất một cách sát sao hơn.
Nghị sĩ Dana Rohrabacher, phó chủ tịch Ủy ban Khoa học, Vũ trụ và Công nghệ của hạ viện Mỹ, bình luận rằng Washington nên chú ý tới nhiều vấn đề sau vụ thiên thạch rơi tại Nga.
"Nước Mỹ đầu tư hàng triệu USD để tìm và theo dõi các sao chổi, thiên thạch. Nhưng thiên thạch nổ trên bầu trời Nga có kích thước nhỏ hơn mức mà các thiết bị của Mỹ có thể phát hiện", Rohrabacher nói với Space.
Điều khiến Rohrabacher lo ngại là các chính phủ chưa lập kế hoạch để đối phó vụ tấn công trái đất của thiên thạch hay sao chổi.
"Vì thế, ngay cả khi các thiết bị phát hiện một vật thể sắp lao vào trái đất, chúng ta cũng không có khả năng làm chệch đường bay của nó", ông bình luận.
Minh Long