Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều cho rằng Hy Lạp đã vỡ nợ. Ảnh minh họa. |
Từ những ngày đầu gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 1/2001 sau khi gây áp lực nhằm vượt qua tiêu chuẩn nợ công 3% GDP của eurozone, Hy Lạp có một thời kỳ dài thâm hụt ngân sách. Tăng trưởng GDP đạt 4,3% (2001 - 2007), cao hơn so với mức trung bình của eurozone là 3,1% nhưng chi tiêu chính phủ Hy Lạp tăng tới 87% trong khi mức thu chỉ tăng 37%. Sau công cuộc đầu tư "khủng" cho Thế vận hội Athens năm 2004, Hy Lạp còn lại một ngân sách rỗng với tỷ lệ bội chi khoảng 8%, cao gấp gần 3 lần tiêu chuẩn của eurozone.
Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các ngành công nghiệp chủ đạo của Hy Lạp đều bị ảnh hưởng mạnh. Ngành du lịch và vận tải biển đều có mức sụt giảm doanh thu tới 15%. Nguồn thu để tài trợ ngân sách bị hạn chế, Chính phủ lại buộc phải tăng chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng. Tính đến tháng 1/2010, nợ công của Hy Lạp ước đạt 216 tỷ euro, nợ lũy kế bằng 130% GDP.
Trong gần một thập kỷ, chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD và đầu tư dàn trải vào cơ sở hạ tầng trong khi không hề có kế hoạch trả nợ. Sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài khiến Hy Lạp dễ chịu tổn thương khi niềm tin nhà đầu tư thay đổi.
"Giọt nước tràn ly" trong trường hợp của Hy Lạp là việc bị phanh phui những dối trá trong số liệu báo cáo của chính phủ tiền nhiệm. Ngày 20/10/2009, tân thủ tướng George Papandreou khẳng định thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2009 phải ở mức 12,5%, gấp hơn 4 lần giới hạn cho phép của một quốc gia sử dụng đồng euro.
Nhiều dự báo ngay lập tức được đưa ra cho thấy nợ công của Hy Lạp có thể tăng từ mức 113,4% GDP năm 2009 lên 121-125% GDP trong năm 2010. Hàng loạt tổ chức quốc tế tuyên bố hạ định mức tín nhiệm của Hy Lạp trên thị trường tài chính. Ngày 7/12/2009, S&P cho Hy Lạp điểm tín nhiệm A- với triển vọng kém lạc quan. Một ngày sau đó, Fitch đánh tụt điểm số của nền kinh tế này từ A- xuống còn BBB+.
Không còn bức tranh kinh tế đầy màu hồng và những lời hứa hẹn về chính sách khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách, Hy Lạp tiếp tục bán trái phiếu để có tiền cho ngân sách. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 1/2010, lên 9,73% thời điểm tháng 7/2010 và nhảy vọt lên 26,65% một năm vào tháng 7/2011.
Lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm. Ảnh: ECB |
Những ngày cuối tháng 12/2010, Chính phủ Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách với dự báo thâm hụt 9,1%. Định mức tín nhiệm quốc gia này tiếp tục bị đánh tụt về mức BBB- của S&P. Một lần nữa, Quốc hội nước này lại điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách về 8,7% và cắt giảm quỹ lương khoảng 4%. Từ đây, Hy Lạp rơi vào thời gian dài bất ổn xã hội do làn sóng biểu tình phản đối của người dân.
Nội lực không đủ vực dậy nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới, Hy Lạp trở thành mắt xích yếu nhất của eurozone. Châu Âu không thể để Hy Lạp vỡ nợ bởi những hệ lụy đổ vỡ hệ thống ngân hàng, mất khu vực đồng tiền chung và kéo theo nhiều quốc gia khác rơi vào hiệu ứng domino.
Tháng 5/2010, các nhà lãnh đạo eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố gói cứu trợ kỳ hạn 3 năm trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Sau đó, vào tháng 10/2010, IMF cho Hy Lạp vay thêm 2,5 tỷ euro (3,3 tỷ USD), nâng tổng giá trị các khoản vay khẩn cấp mà IMF dành để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của nước này lên 10,58 tỷ euro (tương đương 13,98 tỷ USD).
Từ tháng 5/2010 và 6/2011, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã mua khoảng 45 tỷ euro trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ thanh khoản mà ECB dành cho các ngân hàng Hy Lạp đã tăng từ mức 47 tỷ euro vào tháng 1/2010 lên mức 98 tỷ euro vào tháng 5/2011.
Đáp lại, ngày 21/10, Hy Lạp thông qua chính sách tiết kiệm ngân sách mới bao gồm tăng thuế, cắt giảm trợ cấp, sa thải 30.000 công chức trước áp lực nợ công lên tới 162% GDP. Sau nhiều lần trì hoãn, gói cứu trợ thứ 2 trị giá 130 tỷ euro đã được thành viên cuối cùng của châu Âu là Đức thông qua nhằm giúp đưa nợ công quốc gia này giảm về gần 121% GDP vào năm 2020.
Bạo loạn tại Hy Lạp khi chính phủ thông qua chính sách cắt giảm chi tiêu mới. Ảnh: AFP |
Tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ EUR nợ khỏi nghĩ vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị một hãng định mức tín nhiệm hàng đầu khác là S& P xem là đã vỡ nợ một phần.
Châu Âu có thể cứu được Hy Lạp với thỏa thuận hoán đổi nợ kỷ lục, với những gói cứu trợ lên tới hàng trăm tỷ EUR, nhưng Hy Lạp không còn là vấn đề duy nhất của khu vực này. Cơn hỗn loạn tài chính đã lan đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo sẽ là Italy.
Theo thống kê của Financial Times, giá trị thị trường trái phiếu của Italy hiện nay là khoảng 1.900 tỷ euro, quá lớn so với mức 440 tỷ của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF)> Điều này cũng có nghĩa là EFSF chỉ đủ tiền để mua lại khoảng 20% số trái phiếu của Italy. Italy là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng ruro, lớn hơn rất nhiều Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha, chính vì thế các nhà phân tích cho rằng, không thể có gói giải cứu nào đủ lớn cho Italy.
Quỳnh Anh