Chị Nguyễn Hà (31 tuổi, trú quận Hoàng Mai) đã chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân cho con gái ba tuổi từ tối 12/4, gồm bàn chải đánh răng, bình nước cá nhân và 1-2 bộ quần áo theo lời dặn của cô giáo. "Con háo hức một, bố mẹ háo hức mười. Chúng tôi đã nhiều lần mừng hụt mỗi khi nhà trường khảo sát ý kiến phụ huynh về việc đi học", chị Hà chia sẻ.
Sau khi trẻ lớp 1-6 ở Hà Nội trở lại trường với tỷ lệ học trực tiếp đạt 93,7%, Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ dưới 6 tuổi đi học lại, nhận kết quả 80% tán thành. Nằm trong số 80% đồng ý cho con đi học lại, chị Hà chia sẻ, phải đến khi Hà Nội mở cửa trường mầm non, những phụ huynh như chị mới được "giải phóng hoàn toàn" khỏi vai trò "bảo mẫu". Suốt một năm qua, chị gián đoạn công việc vì phải trông con. Người mẹ trẻ cho rằng, khi đã qua đỉnh dịch, các trường cần mở cửa trở lại, thực hiện đầy đủ chức năng giáo dục trẻ để "giải phóng" những người đang ở lứa tuổi lao động như chị.
Từ 7h15, trường Mầm non Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu đón những học sinh đầu tiên. Do có thêm trường tiểu học ngay sát, lượng xe của phụ huynh đổ dồn về khu vực hai trường cùng lúc khiến đường bị ùn tắc. Phía trong cổng trường, 20 giáo viên cầm biển lớp đợi sẵn học trò. Các cô sẽ đo nhiệt độ, hướng dẫn phụ huynh và trẻ tìm đúng lớp của mình. Trên mỗi lớp, trường bố trí ba giáo viên đợi và đón học trò, dỗ các em không quấy khóc khi bố mẹ ra về.
Đưa con gái bốn tuổi đến trường, chị Thu Hằng kể, từ tối qua, bé đã háo hức nhưng hôm nay có lẽ thấy nhiều người lạ, bé hơi rụt rè. Chị Hằng nhận định, trẻ mầm non cần được trở lại trường, vui chơi, gặp bạn bè thay vì quẩn quanh trong bốn bức tường, cả ngày chỉ tiếp xúc với các thiết bị như TV, điện thoại, máy tính. Vì vậy, khi con được đi học, chị thấy "vui và nhẹ nhõm".
Đây cũng là mong muốn, tâm trạng chung của phần lớn phụ huynh trường Yên Hòa. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Mầm non Yên Hòa, cho biết, kết quả khảo sát trước ngày mở cửa trường cho thấy, hơn 90% phụ huynh trường này đồng thuận cho con đi học lại.
Tại trường Mầm non Sắc màu tuổi thơ - Kid's Color (quận Nam Từ Liêm), âm nhạc vang lên khắp khuôn viên trường. Cô hiệu trưởng cùng năm giáo viên khác mặc áo dài đứng hai bên chào đón học sinh. Những giỏ kẹo, biển chào mừng được chuẩn bị sẵn để tặng các em.
Cô Hoàng Anh, giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi, vui mừng khi nhìn thấy những học sinh đầu tiên trở lại trường. "Nhìn thấy các con trong sân trường, tôi rất xúc động", cô Hoàng Anh nói.
Trong ngày đầu đi học lại, một số trẻ nhỏ bật khóc khi phải xa mẹ. Chị Phương Nga (29 tuổi, trú phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm), sau khi giao con 4 tuổi cho cô giáo, đã đứng một lúc để dõi theo con. Thấy các cô dẫn con lên tận lớp, chị yên tâm đi làm. "Dù muộn nhưng đến trường được ngày nào tốt ngày đó", chị nói. Con đã mắc Covid-19 và hoàn toàn bình phục, chị không có quá nhiều lo lắng, chỉ mong con sớm hòa nhập với môi trường quen thuộc mà con không tiếp xúc suốt một năm qua.
Cũng đứng đón học trò ở cổng trường từ sớm, Thạc sĩ Lê Thị Nhuệ, Hiệu trưởng Mầm non Sắc màu tuổi thơ chia sẻ một năm đóng cửa trường là quãng thời gian rất khó khăn nhưng toàn bộ 24 giáo viên vẫn đồng hành cùng nhà trường, khoảng 150 phụ huynh tiếp tục tin tưởng và 20 phụ huynh mới tới đăng ký học cho con hôm qua.
"Hôm nay như ngày hội với chúng tôi vậy", cô Nhuệ nói.
Trẻ bốn tuổi ở trường Yên Hòa tập thể dục buổi sáng. Video: Thanh Hằng |
Nhận trẻ từ 15 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong đó có cả học sinh cũ và mới, cô Nhuệ cho biết nhà trường lên kế hoạch tuần đầu chủ yếu tổ chức các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng để các em làm quen với môi trường, thầy cô, bạn bè.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội là địa phương cho trẻ mầm non nghỉ ở nhà lâu nhất. 1.145 cơ sở giáo dục mầm non của thành phố đã phải đóng cửa hoàn toàn kể từ tháng 4/2021. Sau hôm nay, toàn bộ 2,2 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông ở Hà Nội được đi học trực tiếp đầy đủ.
Ảnh: Trẻ vui tươi trong ngày đi học lại
Thanh Hằng - Dương Tâm