Thẩm phán Amir Ali của tòa án liên bang tại thủ đô Washington ngày 13/2 ra phán quyết nêu rằng sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm áp lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của Mỹ dựa trên "logic đáng ngờ". Thẩm phán cho rằng động thái này có thể gây thiệt hại không thể khắc phục đối với các nhóm viện trợ đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng, thậm chí trong một số trường hợp còn phải ngừng hoạt động.
Ông Ali đưa ra phán quyết sau khi liên minh gồm các nhóm cứu trợ, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận đệ đơn kiện chính quyền Trump vì đình chỉ những khoản viện trợ nước ngoài được lên kế hoạch trước khi ông nhậm chức.
Theo đó, thẩm phán Ali xác định chính quyền Trump không thể đóng băng những khoản viện trợ đã được ấn định từ trước khi ông nhậm chức, không thể sa thải hoặc đình chỉ những nhân viên liên quan đến các dự án đó.
"Chính quyền đã nêu mục đích khi đình chỉ mọi viện trợ nước ngoài là 'tạo cơ hội xem xét lại độ hiệu quả và đánh giá xem các chương trình có phù hợp với các ưu tiên hay không'. Tuy nhiên, cho đến nay, các bị đơn vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho thấy động thái của họ là bước đi hợp lý để đánh giá lại các chương trình", phán quyết có đoạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 13/2. Ảnh: AFP
Thẩm phán Ali bác bỏ yêu cầu từ nguyên đơn rằng ông phải chặn hoàn toàn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Thẩm phán cho biết không có lý do gì để chặn một số động thái của chính quyền, như yêu cầu của Tổng thống về đánh giá nội bộ chi tiêu viện trợ nước ngoài.
Ngay trong ngày nhậm chức 20/1, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày. Bản ghi nhớ do Ngoại trưởng Marco Rubio gửi cho nhân viên dưới quyền ngày 24/1 cho biết sẽ không có thêm khoản tiền nào được cấp cho các chương trình tài trợ mới hoặc gia hạn chương trình hiện có, cho tới khi từng đề xuất được đánh giá và chấp thuận.
Bản ghi nhớ cũng kêu gọi tiến hành đánh giá nội bộ về tất cả khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trong vòng 85 ngày.
Động thái này ảnh hưởng tới hầu như mọi hoạt động viện trợ của Mỹ về quân sự và phát triển cho nước ngoài, trong đó có Ukraine, quốc gia đã nhận số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD từ chính quyền cựu tổng thống Biden. Một số trường hợp được hưởng ngoại lệ gồm viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập, đóng góp của Mỹ đối với chương trình hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Ngoại trưởng Rubio cho biết lý do của động thái này là Mỹ không thể đánh giá được liệu các cam kết viện trợ hiện nay "có bị trùng lặp, hiệu quả và phù hợp với chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump hay không".
Mỹ lâu nay là quốc gia viện trợ lớn nhất thế giới tính về số tiền chi ra, dù một số nước châu Âu, đặc biệt là tại khu vực Scandinavia, đóng góp nhiều hơn đáng kể nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ chi hơn 64 tỷ USD để viện trợ phát triển cho nước ngoài trong năm 2023, năm gần nhất có số liệu thống kê.
Mỹ từ lâu đã coi viện trợ nước ngoài là công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã cam kết thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" bằng cách hạn chế viện trợ nước ngoài.
Huyền Lê (Theo Reuters, NY Times)