Chiều 10/5, sau hội ý, thẩm phán chủ toạ Đặng Thị Thanh Huyền công bố quyết định trả hồ sơ, yêu cầu tiếp tục điều tra vụ lừa đảo 300 tỷ đồng liên quan Công ty Chứng khoán SME.
Do đó, phiên xét xử cựu chủ tịch SME và 9 đồng phạm dự kiến diễn ra 10 ngày tại TAND Hà Nội đã phải tạm dừng sau hai ngày khi mới đang ở phần thẩm vấn. Vụ án được khởi tố cách đây 9 năm, tháng 4/2013. Hiện 9 trong 10 bị cáo được tại ngoại.
Trong hai ngày xét hỏi, bị cáo Phan Huy Chí nhiều lần khẳng định không có hành vi chiếm đoạt tài sản của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), mà chỉ trả nợ muộn. Các lần trả đều được PVI và SME thoả thuận trong biên bản nhận nợ và kế hoạch trả nợ.
Ông Chí khai có các tài liệu chứng minh các lần trả, bắt đầu thanh toán từ tháng 4/2011. Bị cáo cho rằng "đã thực hiện đúng biên bản nhận nợ này". Theo đó, cho đến trước thời điểm bị khởi tố, ông được VKSND Tối cao ghi nhận đã trả hơn 65 tỷ đồng, tức là nhiều hơn số tiền bị cáo buộc nắm giữ của PVI - 58,8 tỷ đồng.
Trong sự việc thứ hai xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVIF), ông Chí trình bày đang nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu của PVIF và xuất trình tài liệu chứng minh. Bị cáo khai số tiền hơn 79 tỷ đồng PVIF đã giải ngân cho SME, trong đó một phần dùng trả cho các khoản tiền SME trước đây, đã sử dụng để mua số cổ phiếu trên.
Tại phiên toà, ông Chí và thuộc cấp Phạm Minh Tuấn, cựu Tổng giám đốc SME, đều khai không sử dụng cá nhân số tiền trên.
"Đây là các tình tiết mới phát sinh tại phiên toà, nhưng chưa đủ để xác định các bị cáo có chiếm đoạt tài sản của PVI và PVIF và điều này không thể làm rõ tại phiên toà", chủ toạ nêu quan điểm.
Do đó, trong giai đoạn điều tra bổ sung sắp tới, HĐXX đề nghị làm rõ hai nội dung. Thứ nhất, có hay không biên bản xác nhận công nợ, kế hoạch trả nợ giữa PVI với SME với 2 hợp đồng đầu tư chứng khoán ký ngày 21/4/2010? Nếu có thì đã thực hiện thế nào?
Thứ hai, số cổ phiếu PVIF đứng tên SME mà bị cáo Chí đang nắm giữ và mục đích mua số cổ phiếu này liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỷ đồng mà SME nhận từ PVIF theo các hợp đồng?
Theo toà, điều này được làm rõ sẽ giúp xác định các bị cáo có chiếm đoạt tiền của PVI và PVIF hay không và nếu có là bao nhiêu, thời điểm và hình thức nào? Từ đây, nhà chức trách sẽ xác định trách nhiệm hình sự, dân sự giữa bị cáo và các chủ thể liên quan.
Cáo trạng hiện xác định, SMES thành lập năm 2006, đăng ký các ngành kinh doanh chứng khoán như: lưu ký, tư vấn tài chính và đầu tư, bảo lãnh phát hành, tự doanh và môi giới.
Từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, ông Chí và một số người đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối như "tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán".
Hành vi này bị cáo buộc nhằm chiếm đoạt của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và PVFI, Ngân hàng thương mại cổ phần Habubank Hà Nội với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Theo VKSND Tối cao, việc ông Chí và các đồng phạm tại SMES thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVFI có sự tiếp tay, thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm của 4 bị cáo, nguyên lãnh đạo, cán bộ tại PVFI.
Trong 6 người bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, có 5 cựu lãnh đạo, nhân viên SME gồm: cựu chủ tịch HĐQT Phan Huy Chí, cựu tổng giám đốc Phạm Minh Tuấn; cựu giám đốc chi nhánh TP HCM Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan.
Bốn cựu lãnh đạo PVFI bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,theo điều 285, Bộ luật Hình sự 1999, gồm: Chu Xuân Lai, cựu tổng Giám đốc; Lê Xuân Tân, cựu phó tổng giám đốc; Vũ Xuân Công, cựu phó Ban dịch vụ tài chính và Vũ Thị Hồng Lan, cựu trưởng ban dịch vụ tài chính.
Thanh Lam