Từ 13h, rất đông người dân, bác sĩ tập trung trước cổng toà để làm thủ tục vào dự buổi tuyên án. Nhiều người mặc áo xanh, trùng với màu áo mà bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) mặc suốt 11 ngày đến toà với hy vọng "niềm vui sẽ đến với nam bác sĩ".
Có phụ nữ trung niên cầm bó hoa to đến toà để "chúc mừng các bị cáo", nếu HĐXX ra bản án công tâm. Căn phòng có màn hình truyền hình ảnh của phiên toà đã chật cứng người theo dõi.
Hơn 14h, HĐXX ra làm việc song không tuyên án như đã thông báo mà bất ngờ tuyên trả hồ sơ về VKS để yêu cầu làm rõ một số vấn đề. Quyết định này của toà trùng với đề nghị đã nêu trước đó của VKS.
Việc trả hồ sơ được tòa cho rằng nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế để không xảy ra những thảm hoạ đáng tiếc trong tương lai.
HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, vẫn có “dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. Các chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội với bị cáo Hoàng Công Lương chưa được thu thập đầy đủ. Trong quá trình xét xử xuất hiện nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng và làm rõ.
Rời toà án trong vòng tay và sự hồ hởi của người thân, bác sĩ Lương cho biết "vừa mừng vừa lo" vì vẫn chưa thực sự được "vô tội".
HĐXX kiến nghị điều tra làm rõ những chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội với bác sĩ Lương. Xác định lỗi của Lương trong việc ra y lệnh, trước khi ra y lệnh anh có báo cáo lãnh đạo khoa hay không? Điều tra có ai nói cho Lương biết hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo đã đảm bảo an toàn chưa? Làm rõ việc thay đổi lời khai của nam bị cáo và những người liên quan khác?
HĐXX kiến nghị khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) và nguyên trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi không giám sát hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Nguyên giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương và Giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn cũng bị toà kiến nghị xem xét trách nhiệm do nghi ngờ có sai phạm trong việc ký hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo. Xác định có hay không thỏa thuận khác trong việc thu và sử dụng nguồn tiền này?
HĐXX kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao thiết bị sau sửa chữa; làm rõ trách nhiệm của ông Khiếu và bác sĩ Hoàng Công Tình trong việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương vào sổ họp giao ban.
HĐXX đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành 2 công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và công ty luật sư có nội dung mâu thuẫn nhau về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI; làm rõ chủ trương của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập phục vụ hoạt động dịch vụ liên quan thận nhân tạo.
Cuối cùng, HĐXX đề nghị xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc chậm cấp phép và quản lý các hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Hôm nay, vượt hơn 60 km để có mặt tại toà từ sớm, bà Bùi Thị Căm (vợ nạn nhân Bùi Văn Pơi) cho biết mong muốn có bản án khách quan, đúng người, đúng tội. Bà Căm hy vọng bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ được tuyên vô tội và hai bị cáo Sơn, Quốc cũng được hưởng mức án nhẹ hơn so với đề nghị trước đó của VKS.
Bà Căm còn mong HĐXX "có một phán quyết công tâm" về mức bồi thường dân sự. Bà bảo, đã hơn một năm trôi qua nên chỉ muốn "chấm dứt sự việc tại đây" để nỗi đau không dai dẳng mãi theo gia đình các nạn nhân.
Liên quan sự cố y khoa làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau một lần bị hoãn vì vắng mặt nhiều luật sư, ngày 15/5, TAND thành phố Hoà Bình mở lại phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ), Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư của bệnh viện đa khoa Hoà Bình) và Bùi Mạnh Quốc dự kiến trong 5 ngày. Tuy nhiên, phiên sơ thẩm kéo dài đến 12 ngày xét xử và 6 ngày nghị án.
Trong những ngày diễn ra phiên toà, bị cáo Hoàng Công Lương luôn cho rằng, VKS cáo buộc anh phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Lương chỉ điều trị bệnh nhân tại đơn nguyên thận nhân tạo chứ “không phải là người quản lý đơn nguyên này”. Trong lời nói sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo Lương tiếp tục cho rằng anh “hoàn toàn vô tội”. Lương mong HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan để tránh oan sai.
Hai bị cáo còn lại đều nhận do "lỗi chủ quan nên gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng". Tuy nhiên, cả Quốc và Sơn đều khẳng định, không được ai hướng dẫn về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước nên trách nhiệm “không thể chỉ thuộc về hai người”.
Ngoài những cáo buộc với ba bị cáo, các luật sư “mở rộng hồ sơ”, đưa ra chứng cứ về việc “bỏ lọt tội phạm” khi không triệu tập nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và nhiều người liên quan khác đến toà. Trách nhiệm của Bộ Y tế cũng được đề cập khi không ban hành quy trình về sửa chữa, vận hành hệ thống lọc nước RO trong chạy thận nhân tạo.
Đối đáp với bị cáo và các luật sư, đại diện VKS khẳng định, nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa do nguồn nước của hệ thống lọc nước RO bị nhiễm độc chứ không liên quan máy móc. Qua xét hỏi tại toà, cơ quan công tố cũng nhận thấy thiết bị y tế tại Bệnh viện Hòa Bình không đạt chuẩn nên có thể sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ở một vụ án khác cho rõ ràng.
Cơ quan công tố cáo buộc, Lương có chuyên môn phù hợp nên được trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu giao nhiệm vụ. Trong thời gian tạm giam, Lương cũng khai rất rõ trong cuộc họp giao ban được ông Khiếu phân công về quản lý chuyên môn và các công việc khác ở đơn nguyên thận nhân tạo.
Theo VKS, đây không phải là hành vi nguy hiểm nhưng "lại là nguyên nhân gây ra sự cố” làm 9 người chết, 9 người bị ảnh hưởng sức khoẻ. Nếu Lương làm đủ các trách nhiệm được giao sẽ không gây hậu quả như vậy. Nếu trước đó nam bác sĩ có báo cáo với trưởng khoa thì trách nhiệm cũng sẽ được giảm trừ.
Nhiều luật sư không đồng tình với quan điểm này của VKS mà cho rằng Lương đang trong tình thế cấp bách, vì sự an toàn của bệnh nhân nên mới ra y lệnh. Tuy nhiên, cơ quan công tố bác bỏ, khẳng định Lương vẫn luôn là người ra y lệnh cuối cùng thay nhiệm vụ của trưởng khoa. Sáng 29/5/2017 (hôm xảy ra sự cố y khoa) cũng không phải là tình thế cấp bách khi các bệnh nhân đều chạy thận lọc máu theo chu kỳ.
Về hành vi của bị cáo Quốc, VKS cho rằng, Quốc biết việc không làm xét nghiệm nguồn nước trước khi chạy thận lọc máu là nguy hiểm song không ngăn cản, để mặc đơn nguyên thận đưa máy vào vận hành. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người.
Bị cáo Sơn được trưởng phòng giao nhiệm vụ quản lý thiết bị y tế ở đơn nguyên thận nhân tạo. Anh phải biết rõ sau khi sửa chữa thì phải làm xét nghiệm chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, ngày 29/5/2017 chưa lấy mẫu nước song Sơn không can ngăn mà mặc cho việc vận hành thiết bị. Theo VKS, hành vi của Sơn và Quốc là nguyên nhân chính gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết.