Tòa thánh Vatican tại thành phố Roma, Italy. Ảnh: wordpress.com. |
Đức cha Jose Funes, giám đốc Đài thiên văn Vatican, viết trên L'Osservatore Romano, một tờ báo của Tòa thánh, rằng tận thế là đề tài "không đáng được thảo luận", dù chúng đang tràn ngập trên mạng Internet, AP đưa tin.
"Đúng thế, vũ trụ đang giãn nở. Theo một số mô hình vật lý, vào một thời điểm nào đó, vũ trụ sẽ ngừng giãn nở và trái đất diệt vong. Nhưng sự kiện đó sẽ không xảy ra trong vài tỷ năm tới", đức cha Funes phát biểu.
Tin đồn tận thế khiến một bộ phận dân chúng tại nhiều nước như Nga, Pháp, Trung Quốc, Serbia, Mỹ hoang mang. Họ tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm, đổ xô tới hai ngọn núi "thần bí" ở Pháp, Serbia hoặc đóng tàu lớn để cứu người nếu sự kiện diệt vong xảy ra.
Cơ sở để nhiều người tin vào giả thuyết tận thế là một bộ lịch đá của người Maya. Bộ lịch đá này tính thời gian từ năm 3114 trước Công nguyên đến ngày 21/12/2012. Do dân tộc Maya từng đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc về toán học và thiên văn, nhiều người tin rằng 21/12 tới sẽ là ngày mà thế giới diệt vong bởi một thảm họa nào đó.
Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định rằng, do người Maya có ý niệm về vòng tuần hoàn của sự sống nên ngày cuối cùng trong bộ lịch đá chỉ đơn thuần là điểm kết thúc của một chu kỳ thời gian, chứ không phải là thời điểm suy vong của thế giới này.
"Lịch của người Maya không có điểm kết thúc. Đó là sự bắt đầu một chu kỳ mới, thế thôi", Erick Velasquez, một sử gia người Mexico, phát biểu.
David Stuart, một nhà khảo cổ của Đại học Texas tại Mỹ, đang giải mã dạng lịch cổ nhất của người Maya trong khu phế tích Xultun ở phía đông bắc Guatemala.
"Lịch cổ nhất của người Maya được sử dụng để tính toán thời gian trong hàng tỷ năm nữa, chứ không phải chỉ tính tới năm 2012", ông Stuart nói.
Một số nhà nghiên cứu khẳng định những người Thiên Chúa đã đề cập nhiều tới ngày tận thế, chứ không phải người Maya. Hậu duệ của người Maya cũng bác bỏ giả thuyết về nguy cơ diệt vong của trái đất trong năm nay.
Minh Long