Thẩm phán Nguyễn Hải Thanh làm chủ tọa. Nguyên đơn dân sự là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Sáng nay, đại diện sở Tài chính và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội có mặt theo triệu tập của tòa phúc thẩm. Đại diện công ty Nhật Cường, đại diện Bộ Nội vụ và Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội cùng một số nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tại phiên sơ thẩm, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 281 Bộ luật Hình sự 1999.
Cùng vụ án, bà Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư) kháng cáo xin giảm hình phạt.
Hai người lần lượt bị tòa sơ thẩm phạt 42 tháng tù và 4 năm 6 tháng tù, cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
4 bị cáo còn lại không kháng cáo, trong đó có cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ.
Trước phiên phúc thẩm, ngoài đơn viết tay dài 58 trang, giải trình các vấn đề kháng cáo gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội, thông qua luật sư, ông Chung còn nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen kỷ niệm chương, huân chương trong thời gian công tác trong ngành công an và UBND Hà Nội; các bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam...
Cựu chủ tịch Hà Nội cũng nộp thêm các đơn xác nhận thiện nguyện và đơn của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, xin giảm nhẹ cho ông.
Luật sư cho biết, ông Chung mắc bệnh ung thư trực tràng. Hồ sơ bệnh án được nộp về HĐXX cấp phúc thẩm trong các tài liệu bổ sung.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định thuộc về Giám đốc Sở.
Khi Sở chuẩn bị đóng gói thầu năm 2016, vì muốn tham gia nên Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn) đề nghị ông Chung "lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để có thời gian chuẩn bị". Ông Chung lập tức chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu vào "phút chót".
Lúc mở thầu lại, Công ty Nhật Cường tham gia nhưng bố trí "quân xanh" bỏ giá cao hơn nên được trúng thầu. Doanh nghiệp này trúng cả gói thầu số hóa năm 2016 và năm 2017 nhưng đều bán lại cho Công ty Đông Kinh để hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.
HĐXX xác định các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; khiến mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được khi chỉ có 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư bị xác định là người có chức vụ quyền hạn, phải thực hiện trách nhiệm của mình nhưng khi thực hiện gói thầu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp kết quả.
Tòa tuyên buộc Công ty Đông Kinh nộp cho nguyên đơn là Sở Kế hoạch và Đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính. Trừ ông Chung, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền còn lại. Các bị cáo có quyền đòi Bùi Quang Huy bồi thường sau hoặc khởi kiện trong một vụ án dân sự.
Đây là vụ thứ 3 ông Chung hầu tòa phúc thẩm. Trong hai vụ án trước đó liên quan chiếm đoạt tài liệu mật và mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, ông lĩnh tổng cộng 10 năm tù.
Thanh Lam