Thứ tư, 26/6/2024
Thứ năm, 16/5/2024, 04:00 (GMT+7)

Tòa nhà xây bằng 3.000 tấn đá ở cố đô Hoa Lư

Ninh BìnhTòa nhà ba tầng của ông Lương Văn Quang, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư được xây bằng 3.000 tấn đá trong 14 năm.

Lâu đài đá độc nhất Ninh Bình
 
 

Ngôi nhà bằng đá độc nhất Ninh Bình. Video: Lê Hoàng

Tòa nhà đá được xem là độc nhất vô nhị ở Ninh Bình thuộc sở hữu của gia đình ông Lương Văn Quang, 51 tuổi, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư. Công trình tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 3.000 m2 cạnh đường lớn dẫn vào trung tâm khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Nhà được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh Ninh Vân kết hợp với lượng nhỏ đồ gỗ, bêtông và ngói đỏ. "Khoảng 1.000 m3 đá tương đương 3.000 tấn đã sử dụng cho công trình này", ông Quang nói.

Diện tích tòa nhà là 450 m2, gồm ba tầng, cao 27 m chưa kể tháp chuông. Công trình vừa thiết kế vừa thi công từ năm 2006 đến 2020 mới cơ bản hoàn thiện.

Bức phù điêu lớn trên nóc đại sảnh tòa nhà là một trong những khối đá lớn nhất, nặng cả chục tấn. Gia đình ông Quang có 12 đời làm nghề chế tác đá, bố và ông nội từng tham gia xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm, đến nay ông đã có hơn 40 năm kinh nghiệm.

Ban đầu ông Quang thuê nhiều kiến trúc sư thiết kế tòa nhà, song không bản vẽ nào đáp ứng được tiêu chí đề ra nên quyết định "vừa làm vừa vẽ" theo kinh nghiệm và trí sáng tạo của bản thân cùng những nghệ nhân lành nghề ở làng đá truyền thống Ninh Vân.

Điểm nhấn của ngôi nhà là đại sảnh, cũng là nơi gia chủ tiếp khách kết hợp trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Ông Quang cho hay từ nền móng, hệ thống cột, dầm xà... của ngôi nhà đều được liên kết từ những khối đá lớn, ráp nối với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, sử dụng keo kết dính truyền thống là mật mía, vôi.

Tháp chuông hay vọng gác thiết kế ba tầng, nằm ở phía cuối ngôi nhà cũng làm hoàn toàn bằng đá. Từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh một vùng rộng lớn quanh khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Chủ nhân tòa lâu đài cho biết nhóm thợ khoảng 20-30 người làm việc ròng rã suốt 14 năm. Thời điểm cao nhất gần 100 người tham gia xây dựng.

Cũng tại tầng ba của tòa nhà có tháp nghinh phong với lối kiến trúc mái vảy truyền thống, được cách điệu hình chim lạc.

Một bộ đàn đá được chủ nhân bài trí cạnh tháp nghênh phong để du khách có thể ngắm cảnh, thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống hàng tuần.

Hai bên tả vu, hữu vu cạnh tháp nghênh phong là hai quầy bar được bài trí tối giản. Nơi này có thể phục vụ ăn uống cho 100-200 thực khách.

Từ vị trí sân thượng hoặc quầy bar nhìn xuống phía trước đại sảnh lâu đài là khu vườn nhỏ đặt các tác phẩm điêu khắc bằng đá của nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Cạnh đó là hồ cá koi thiết kế hình hoa thị.

Hai bờ tường dẫn vào tòa nhà được chủ nhân thiết kế bộ phù điêu bằng đá dài gần 200 m, cao 3 m, mô phỏng tiến trình lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Ông Quang dành tầng hai làm nơi sinh hoạt của gia đình, còn tầng hầm và những tầng khác để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, trao đổi đồ kim hoàn, mỹ nghệ đá.

Tòa nhà được khánh thành năm 2020, phục vụ du khách miễn phí thời gian ngắn nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải tạm đóng cửa đến nay. Ông Quang đang hoàn thiện một số chi tiết như tranh sơn mài, phù điêu đá... trước khi mở cửa trở lại vào năm 2025.

Lê Hoàng