Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 30/4/2021, 15:03 (GMT+7)

Toà nhà trăm tuổi trong Dinh Độc Lập

TP HCMToà nhà là dấu tích còn lại của Dinh Norodom - biểu tượng quyền lực của người Pháp trước khi bị phá huỷ và thay thế bằng Dinh Độc Lập.

Trong khuôn viên phía sau Hội trường Thống Nhất (trước năm 1975 là Dinh Độc Lập, thời Pháp tên Norodom) có dinh thự cổ xây dựng cùng khoảng thời gian với Dinh, trong thế kỷ 19.

Toà nhà này là công trình phụ trong khuôn viên Dinh, hiện chưa rõ thời gian xây dựng cụ thể và chức năng ban đầu. Từ 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, nơi đây từng là trụ sở Đảng Dân chủ của chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, dinh thự không được sử dụng thường xuyên.

Năm 2018 đến nay toà nhà mở cửa cho khách tham quan qua hoạt động trưng bày chủ đề "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập", nói về dự hình thành, phát triển cùng những biến cố lịch sử của Dinh.

Công trình được xây theo kiến trúc Pháp, có cửa chính hình chữ U, hướng ra đường Nguyễn Du, bao quanh là khoảng sân rộng nhiều canh cổ thụ. Toà nhà có hai tầng, trên là ban công rộng nhô ra tại vị trí trung tâm.

Toà nhà xây kiến trúc Pháp đặc trưng với mái ngói đỏ, nước sơn vàng, nhiều cửa sổ gỗ. Ở các góc tường trang trí những phù điêu đắp nổi căn bản.

Những bức hình về Dinh từ thời kỳ đầu đến hiện tại qua các giai đoạn lịch sử được trưng bày xuyên suốt hành lang.

Toà nhà có diện tích khoảng 200 m2, vẫn còn khá nguyên vẹn sau hơn 100 năm tồn tại. Bên trong lát gạch bông đặc trưng kiểu Pháp, trên tường thường xuyên trình chiếu hình ảnh về sự phát triển của Sài Gòn và dinh Norodom.

Căn phòng đầu tiên ở sảnh chính trưng bày hình ảnh Dinh lúc mới xây dựng.

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ, năm 1868, chính quyền Pháp xây dựng một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ tại Sài Gòn. Công trình với tên gọi là Dinh Norodom (tên một vị quốc vương Campuchia).

Theo sử liệu, vật tư xây cất phần lớn được chuyển từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp - Ðức (1870), mãi đến năm 1873 công trình mới được hoàn thiện, riêng phần trang trí phải kéo dài thêm 2 năm.

Những ô cửa dẫn sang các phòng trưng bày chuyên đề khác mang đường nét mềm mại, bố cục hài hoà.

Cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên vẫn còn vững chắc, giữ nét cổ kính cho toà nhà.

Trên tầng 2 trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về quá trình xây mới, các hoạt động, sự kiện lịch sử khi công trình này hoàn thành đến nay.

Năm 1962, Dinh bị phe đảo chính ném bom, không thể phục hồi nguyên trạng. Một dinh thự mới xây ngay trên nền đất cũ và hoàn thành sau bốn năm. Dinh mới như hiện nay xây theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Tầng trên ngoài trưng bày tư liệu về Dinh còn dành một phòng tái hiện lại cuộc sống Sài Gòn xưa, nổi bật với ảnh chụp chợ Bến Thành được phóng lớn.

Phía trước toà nhà là Dinh Độc Lập, một thời là nơi ở của những người quyền lực nhất, trải qua nhiều biến cố lịch sử.

Dinh rộng 4.500 m2, cao 26 m, diện tích sử dụng 20.000 m2, tọa lạc trong khuôn viên rợp bóng cây. Dinh có hơn 100 căn phòng như khánh tiết, họp hội đồng nội các, phòng Tổng thống, đại yến...

Ngày 30/4/1975, Dinh là nơi chuyển giao quyền lực của chính quyền Sài Gòn cho chính quyền Cách mạng, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Năm 1976 công trình được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện, Dinh Ðộc Lập là di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút nhiều du khách. Giá vé cho người lớn là 65.000 đồng một người, bao gồm cả tham quan trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập".

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net