Để thúc đẩy giáo dục trực tuyến, Chính phủ Trung Quốc đã xây một tòa nhà MOOC Times 22 tầng ở khu vực Zhongguancun, Bắc Kinh. Đây là nơi Chính phủ nước này hỗ trợ cho các công ty edtech (công nghệ giáo dục).
Tòa nhà có hai studio mà bất kỳ công ty nào trong khu vực đều có thể sử dụng để quay phim và chỉnh sửa video cho các khóa học. Hầu hết các đơn vị đặt trụ sở ở đây cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ trong học tập trực tuyến, dù không nhất thiết phải phát triển các khóa học trực tuyến hoặc MOOCs.
Lợi ích lớn nhất đối với các công ty trong tòa nhà là nằm ở vị trí đắc địa nhưng giá thuê lại chỉ bằng một nửa giá thuê văn phòng thông thường. Yang Dan, Tổng giám đốc của tòa nhà này cho biết, Chính phủ dẫn dắt việc phát triển giáo dục và mục tiêu của các công ty tại đây là thúc đẩy các chính sách đó.
Trong 70 công ty của tòa nhà, có khoảng 9% tập trung vào công nghệ cho trường mầm non, 25% tập trung vào hệ phổ thông, 17% cho giáo dục đại học và 28% cho đào tạo nghề. Quy mô của các công ty cũng khác nhau, một số là những nhóm khởi nghiệp dưới 10 người, làm việc trong không gian chung; số khác lại có quy mô tổ chức và đội ngũ nhân viên lớn hơn như Nobook - công ty có 55 người và làm phần mềm học tập khoa học tương tác cho các trường học ở Trung Quốc.
Khi thị trường giáo dục ở Trung Quốc phát triển, giám đốc của MOOC Times khuyến khích một số công ty lớn rời khỏi tổ và nhường chỗ cho các dự án nhỏ hơn mới bắt đầu. Bill Ning, đối tác sáng lập của Blue Elephant Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm cũng nằm trong tòa nhà này.
MOOC Times cũng đang nỗ lực thu hút các công ty quốc tế thành lập văn phòng tại đây. "Chúng tôi hy vọng một số công ty khởi nghiệp quốc tế ở Mỹ sẽ đến tòa nhà và làm quen văn hóa Trung Quốc", Dan chia sẻ.
Vài năm trước, Justin Reich, Giám đốc Phòng thí nghiệm hệ thống giảng dạy tại MIT đã đến thăm tòa nhà và ấn tượng bởi cách Chính phủ Trung Quốc quan tâm tới lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Theo ông, Chính phủ Trung Quốc có cách tiếp cận thực tế đối với việc học trực tuyến, tạo điều kiện để mọi thứ phát triển nhanh hơn, ít rào cản hơn cho các công ty edtech.
Reich nhận định, Trung Quốc có truyền thống giáo dục khá phù hợp để phát triển việc học tập trực tuyến. Thứ nhất, đây là đất nước có lịch sử về giáo dục từ xa qua truyền hình và video, vì vậy các MOOCs giống như một phần mở rộng của cách học này, người học sẽ không cảm thấy lạ lẫm khi tiếp nhận. Thứ hai, giảng dạy bằng tiếng Trung khá mô phạm nên việc giáo viên nói trực tiếp trước lớp với nói trên video không khiến người học thấy khác biệt nhiều. Thứ ba, truyền thống Nho giáo tại đất nước này khiến các giáo viên được kính trọng và các sinh viên thường ghi nhớ và tổng hợp kiến thức do thầy chia sẻ. Với ba đặc điểm trên, học tập trực tuyến sẽ không gặp nhiều khó khăn hay rào cản khi mở rộng.
Reich cũng lưu ý, giáo dục trực tuyến sẽ hữu ích trong việc giải quyết các nhu cầu giáo dục nông thôn của Trung Quốc, vì nhu cầu giáo dục vượt xa nguồn cung giáo viên ở nhiều nơi.
Nguyên Chương - ĐH Trực tuyến FUNiX (Theo EdSurge)
Ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề thực tế là xu hướng chung trên toàn thế giới. Đại diện Đại học trực tuyến FUNiX khẳng định, ứng dụng công nghệ tiến bộ vào giáo dục (edtech) sẽ trở thành tương lai của nền giáo dục toàn cầu. Không chỉ giải quyết các vấn đề trong lớp học, edtech đang tham gia phát triển cộng đồng giáo viên, giải quyết các nhu cầu thực tế của sinh viên. |