Danillo và vợ Catarina Prímola, đến từ thành phố Belo Horizonte, dự định đặt tên con trai là Piyé theo tên vị pharaoh người da đen đầu tiên của Ai Cập.
Cặp đôi chào đón đứa con đầu lòng vào ngày 31/8, đã chọn tên này để tưởng nhớ người sáng lập triều đại thứ 25 của Ai Cập. "Việc khôi phục tên là một cách nhớ về lịch sử. Chúng ta có quyền giáo dục con em mình về sức mạnh này, nền văn hóa này và theo cách để nó hiện diện trong tên của con mình", người cha nói.
Tòa án sơ thẩm Minas Gerais đứng về phía văn phòng đăng ký hộ tịch của Belo Horizonte, đồng ý với việc cấm đặt tên như vậy. Nhà chức trách cho rằng người mang tên này khi lớn lên có thể bị bắt nạt, chế giễu và cảm thấy xấu hổ do "Piyé" đồng âm với từ "piié", trong tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là một bước nhảy ba lê.
Nhưng quyết định này bị cha mẹ đứa trẻ phản ứng. "Chúng tôi biết rằng nạn bắt nạt không thể được chống lại bằng cách cấm đoán, cũng không thể được chống lại bằng cách áp bức. Bắt nạt có thể được chống lại bằng cách nghiên cứu và giải quyết tình trạng thiếu hiểu biết của toàn xã hội", người cha nêu quan điểm.
Và "cuộc chiến pháp lý" đã trì hoãn việc tiêm vaccine cần thiết hay chậm sàng lọc sơ sinh cho em bé.
Ngày 13/9 vừa qua, thẩm phán tòa phúc thẩm cuối cùng đã chấp thuận kháng cáo của gia đình và để cậu bé mang cái tên cha mẹ đặt.
Đây không phải là lần đầu tiên một thẩm phán ngăn cha mẹ chọn tên cho con mình.
Năm 2013, một thẩm phán ở Tennessee, Mỹ đã ra lệnh đổi tên một đứa trẻ từ Messiah thành Martin sau phiên điều trần về trợ cấp nuôi con. Do Đấng Messiah, hay Đấng Christ, là danh hiệu của Đấng Cứu Tinh được ký thuật trong Kinh Thánh.
Viên chức tư pháp phụ trách vụ án cho biết những cư dân theo đạo trong khu vực sẽ cảm thấy bị xúc phạm và nói thêm rằng đó là danh hiệu mà chỉ có Jesus Christ mới đạt được và sẽ là gánh nặng không công bằng nếu đặt lên vai đứa trẻ.
Ở Pháp, tòa án đã từ chối những cái tên như Nutella (tên một loại mứt chocolate) và Prince William cho trẻ em vì họ không muốn trẻ em bị chế giễu.
Hải Thư (Theo NYPost)