Toomaj Salehi, 33 tuổi, bị bắt tháng 10/2022 sau khi công khai ủng hộ làn sóng biểu tình nổ ra một tháng trước đó. Iran khi đó rung chuyển vì các cuộc biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị "cảnh sát đạo đức" ở Tehran bắt với cáo buộc "quần áo không đàng hoàng" vì mang khăn trùm hijab không phù hợp luật Hồi giáo.
Những cáo buộc ban đầu đối với Salehi gồm lan truyền "thông tin dối trá trên Internet" và "tuyên truyền chống nhà nước", kích động người dân bạo lực, "thành lập và quản lý các nhóm bất hợp pháp với mục đích phá vỡ an ninh khi hợp tác cùng chính phủ thù địch" với Iran.
Salehi bị kết án 6 năm tù song được tại ngoại ngày 18/11/2023, sau khi Tòa án Tối cao phát hiện "những sai sót trong bản án ban đầu". Nam rapper bị bắt lại chưa đầy hai tuần sau đó.
Tòa án Cách mạng Isfahan ngày 24/4 tuyên án tử hình Salehi vì tội "hỗ trợ nổi loạn, tụ tập trái phép, tuyên truyền chống thể chế và kêu gọi bạo loạn".
"Đây là động thái chưa từng có, khi tòa án Isfahan không thực hiện phán quyết của Tòa Tối cao. Chúng tôi chắc chắn sẽ kháng cáo", luật sư Amir Raisian của nam rapper cho hay.
Theo luật sư Raisian, Tòa án Tối cao với tư cách cơ quan phúc thẩm đã xem xét sự việc và yêu cầu tòa cấp dưới khắc phục những sai sót trong bản án sơ thẩm. Phán quyết mới nhất của Tòa án Cách mạng Isfahan không tuân thủ điều này.
"Thực tế bản án của tòa có những mâu thuẫn pháp lý rõ ràng, trong đó phần quan trọng nhất và lạ lùng nhất là mâu thuẫn với phán quyết của Tòa án Tối cao", luật sư nói.
Giới chức Iran gọi các cuộc biểu tình năm 2022 là "bạo loạn" và cáo buộc những "kẻ thù bên ngoài" kích động tình trạng bất ổn. Mehdi Yarrahi, ca sĩ ủng hộ phong trào biểu tình và chỉ trích quy định bắt buộc về trang phục đối với phụ nữ, đã bị kết án hai năm 8 tháng tù.
9 người đàn ông đã bị tử hình trong các vụ án liên quan biểu tình do tội giết người và bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh Iran.
Huyền Lê (Theo AFP)