Tọa đàm thuộc khuôn khổ hội thảo "Doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số". Tham gia sự kiện, các chuyên gia cho biết Việt Nam hiện bước vào giai đoạn bình thường mới, việc phục hồi kinh tế trở thành một trong những trọng trách lớn của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp. Đây cũng được xem là thời điểm "vàng" cho việc tái cấu trúc, chuyển đổi số khi các doanh nghiệp đã thay đổi về cách vận hành, quản trị rủi ro, sắp xếp nguồn nhân lực, kiểm soát dòng tiền và những bài học thay đổi trong tư duy kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia tổ chức "Tọa đàm Go online làn sóng kinh tế 2.0" với hai phiên. Phiên đầu tiên có chủ đề "Trao đổi về sự chuyển dịch hoạt động lên online của doanh nghiệp"; khách mời tham gia gồm: ông Nguyễn Thanh Trình - Giám đốc kinh doanh FPT Telecom International, ông Lê Quý Xuân - Giám đốc tăng trưởng Sapo, ông Lê Anh Bằng - Giám đốc sản phẩm Haravan, ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group và ông Đạt Phan - CEO TSS.
Phiên thứ hai với tên gọi "Làn sóng Internet 2.0 diễn biến thế nào tại Việt Nam" có sự tham gia của ông Andy Vũ - sáng lập kiêm CEO MBC, bà Hana Ngô - sáng lập kiêm CEO HanaGold, ông Phạm Toàn Thắng - sáng lập kiêm CEO Cổng Trời NFT Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Hưng - Phó chủ tịch Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo chia sẻ, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề phải đóng băng, chỉ có một số ngành nghề kinh doanh online có thể hoạt động.
"Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, chỉ còn cách phải chuyển đổi số ngay từ hôm nay để bắt kịp, thay đổi hoạt động kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp khai phá những hoạt động mới, quan trọng nhất là áp dụng công nghệ nhanh chóng để khôi phục, vận hành tốt hơn", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, dưới 50% doanh nghiệp trong trạng thái sẵn sàng chuyển hình thức kinh doanh, số còn lại bị động hơn dẫn đến hoạt động cầm chừng, hạn chế. Bài toán cần giải là làm sao giúp doanh nghiệp này tiếp cận, thay đổi tư duy chuyển đổi số.
Giải thích về làn sóng Internet 2.0, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam(VECOM) chia sẻ, từ năm 1997 Internet đã bước vào Việt Nam và sử dụng chủ yếu trong trường đại học. Trải qua hơn 20 năm, mọi thứ dần thay đổi. Đặc biệt thấy rõ nhất trong Covid-19, khi mọi người, thành phần, lứa tuổi đều bắt đầu ứng dụng Internet vào nhiều hoạt động như mua bán hàng, đăng ký thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng...
"Tôi cho rằng Internet 1.0 đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Hiện chúng ta đang bước vào thời kỳ Internet 2.0, thông qua các sản phẩm của nền tảng này nhằm trì hoạt động. Điển hình thương mại điện tử - giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và cả sắp tới", ông Dũng nhấn mạnh.
Chuyên đề tiếp theo của chuỗi hội thảo mang tên "Số hóa hoạt động doanh nghiệp", dự kiến diễn ra cuối tháng 10.
Minh Huy