Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Sỏi thận là một trong những chủ đề được độc giả quan tâm nhất trong "Tuần tư vấn Tiết niệu Nam học" diễn ra trên VnExpress (9/4-15/4). Gần 1.000 câu hỏi gửi về đã được 14 chuyên gia hàng đầu lĩnh vực này giải đáp. Nhằm giải thích rõ hơn nguyên nhân ngày càng nhiều người Việt mắc sỏi thận, đâu là cách phòng tránh tối ưu, VnExpress phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức Tọa đàm về bệnh sỏi thận lúc 20h ngày 15/4. Chương trình có sự tham gia của Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên - Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên cho biết, Việt Nam nằm trong "vùng dịch tễ sỏi" với số lượng bệnh nhân bị sỏi chiếm 60% bệnh nhân của khoa Tiết niệu. Sỏi là bệnh lý thường gặp ở người Việt, bởi đặc trưng của nước ta là vùng nhiệt đới nóng ẩm, dễ mất nước - điều kiện môi trường thuận lợi cho các loại sỏi hình thành và phát triển. Chất lượng nguồn nước, thực phẩm và chế độ ăn nhiều muối, canxi, oxalat... khiến bệnh sỏi ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong đó, sỏi thận chiếm đến 40% các trường hợp mắc sỏi tiết niệu. Sỏi canxi, chủ yếu là dạng canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat là loại sỏi phổ biến nhất, khoảng 80-90%.
Sỏi tiết niệu hình thành âm thầm, qua thời gian, hệ tiết niệu hoạt động bài tiết, thận lọc máu... có lắng cặn và kết tinh thành sỏi trong hệ tiết niệu. Thông thường, những viên sỏi có kích thước nhỏ hơn 5 mm, trơn láng có thể thoát ra qua đường tiểu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn đến vài cm dễ bị vướng lại trong lòng niệu quản. Trên đường sỏi di chuyển từ thận đến niệu đạo có thể làm tổn thương nhiều cơ quan như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo... Sỏi tiết niệu hiếm gặp ở trẻ em và thường gặp ở nam hơn nữ do đường tiết niệu của nam dài và phức tạp hơn.
Do sỏi diễn tiến âm thầm nên nhiều người khó nhận biết hoặc dễ dàng lơ là khi có các triệu chứng thoáng qua. Không ít trường hợp phát hiện mắc sỏi tình cờ khi chụp phim X-quang, siêu âm ổ bụng do đi khám những bệnh lý khác.
Tùy vị trí, kích thước của viên sỏi mà chúng sẽ gây ra triệu chứng khác nhau. Nếu viên sỏi nhỏ, có thể người bệnh chỉ cảm thấy căng tức nhẹ vùng hông, thắt lưng. Trong trường hợp viên sỏi kích thước lớn hơn, người mắc có thể cảm thấy căng tức hông, thắt lưng thường xuyên, đau nhói mỗi khi làm việc nặng hoặc thay đổi tư thế, tiểu rắt, buốt... Cho đến khi gặp dấu hiệu điển hình của sỏi - những cơn đau quặn thận (cơn đau dữ dội báo sự bế tắc trong đường di chuyển của sỏi) khiến người bệnh không thể chịu đựng được, mới đến bệnh viện thăm khám thì sỏi đã lớn, mất nhiều thời gian điều trị.
Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh nhân bị sỏi nhưng không có triệu chứng đau. "Sỏi im lặng" thuộc dạng nguy hiểm nhất, sỏi đã bị mắc kẹt lâu ngày gây tắc đài bể thận mà không có triệu chứng, đến khi phát hiện có thể ở giai đoạn muộn, cần đặc biệt chú ý.
"Thực chất, số lượng người mắc bệnh sỏi còn nhiều hơn nữa do bệnh tiềm tàng, diễn tiến âm thầm cho đến khi phát hiện. Có những người đến khi thăm khám mới biết có hàng trăm viên sỏi thận", Phó giáo sư Lê Chuyên nói.
Nhiều trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sỏi thận gây ra biến chứng nguy hiểm khiến nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, ứ nước, ứ mủ bể thận, suy thận... và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tổn thương chức năng thận vĩnh viễn, phải cắt bỏ thận.
Những phương pháp điều trị sỏi tiên tiến
Theo Phó giáo sư Lê Chuyên, các bệnh sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng không khó chữa. Hiện nay, để lấy sỏi, tán sỏi có nhiều kỹ thuật hiện đại như dùng thuốc tan sỏi, mổ mở, mổ nội soi, tán sỏi qua da... Hầu hết những kỹ thuật chữa trị sỏi tiên tiến của thế giới, Việt Nam đều đã áp dụng và đạt tỷ lệ thành công rất cao.
Với những viên sỏi có kích thước nhỏ dưới 5 mm, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tan sỏi kết hợp với uống nhiều nước. Trường hợp sỏi có kích thước lớn, tùy theo loại sỏi và vị trí, có khả năng ảnh hưởng đến thận mà bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Phó giáo sư Lê Chuyên cho biết, trước đây, phần lớn các trường hợp sỏi tiết niệu có chỉ định can thiệp ngoại khoa đều được giải quyết bằng phương pháp mổ mở. Phương pháp này có thể khiến bệnh nhân đau đớn và các bác sĩ thận tiết niệu đều mong có thể giảm tỷ lệ mổ mở đến mức thấp nhất. Phẫu thuật nội soi an toàn đã gần như thay thế mổ mở để lấy sỏi thận do tỷ lệ sạch sỏi tương tự nhưng phục hồi nhanh hơn nhiều. Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ rất hạn chế việc mổ mở, tỷ lệ mổ mở có thề gần chạm mức dưới 10%. Thay vào đó, bệnh viện sẽ áp dụng các phương pháp tán sỏi, phẫu thuật nội soi tiên tiến nhất, ít xâm lấn, ít đau đớn, hiệu quả cao, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, nguy cơ nhiễm trùng thấp.
Các phương pháp tiên tiến trong điều trị sỏi ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, lấy sỏi thận qua da, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm..., tỷ lệ thành công có thể đạt mức 90%, thời gian thực hiện khoảng 45-60 phút.
Sỏi thận nói chung, sỏi tiết niệu nói riêng dễ chữa nhưng cũng dễ tái phát, bệnh có thể xảy ra suốt đời, nhất là những người có cơ địa dễ hình thành sỏi. Mọi người nên phòng bệnh bằng cách uống 2-3 lít nước mỗi ngày, chế độ ăn giảm muối, hạn chế thực phẩm đóng hộp, chiên rán, lên men... Hạn chế thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến thận như thức khuya, nhịn tiểu.... Những trường hợp đã được lấy sỏi, tán sỏi nên thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi thường xuyên, tránh hình thành những viên sỏi mới.
Độc giả có thể hiểu rõ hơn về những dấu hiệu nhận biết sớm, biến chứng của sỏi, biện pháp chữa trị tiên tiến... tại Tọa đàm về sỏi thận phát trực tiếp trên VnExpress vào lúc 20h ngày 15/4. Phó giáo sư Lê Chuyên sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc của độc giả xoay quanh chủ đề này.
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)