Covid-19 lan rộng toàn cầu tác động đến mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội... Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ liên tục phát hiện ổ dịch mới, trong khi lượng vaccine "cung không đủ cầu", khó có thể đảm bảo tiến độ tiêm chủng toàn dân, miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực, Covid-19 đang trở thành cú hích thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Giữa bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi và hoạt động mua sắm trực tuyến "lên ngôi", thanh toán không tiền mặt (hay thanh toán điện tử) - vốn đã được quan tâm, nay lại càng phát triển mạnh mẽ. Người dân có thể ngồi một chỗ mua sắm các mặt hàng yêu thích trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng số khác, đồng thời chọn một trong nhiều hình thức chi trả: qua tài khoản ngân hàng, đơn vị trung gian, cổng thanh toán, ví điện tử hay sắp tới là "mobile money".
Đa số người dùng, kể cả người lớn tuổi, cũng đồng ý với quan điểm: thanh toán qua nền tảng số như website và ứng dụng di động thuận tiện, phù hợp thời dịch và là cách bảo vệ bản thân tốt nhất. Thay vì đến nơi đông đúc, khó đảm bảo phòng dịch, họ chọn trải nghiệm mua sắm tại nhà, chi trả bằng một cú click chuột và nhận hàng ngay trong ngày (hoặc hai, ba ngày). Họ cũng tin vào độ an toàn của thanh toán điện tử khi mua sắm trực tuyến.
Các giải pháp thanh toán thông minh liên tiếp ra đời, góp phần thúc đẩy mạnh xu hướng thanh toán không tiền mặt của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Nghiên cứu Impact Studies của Mastercard tháng 5/2020 cho thấy 49% người được khảo sát tại Singapore đã gia tăng thanh toán không tiếp xúc, Malaysia 48%, Thái Lan và Philippines lần lượt 33% và 38%.
Dù bị ảnh hưởng của dịch, song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến hết quý I/2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị. Giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị. Giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó theo Statista, chỉ riêng năm 2020, tổng giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam ước tính lên tới 8,606 tỷ USD.t
Ngay cả khi dịch bệnh qua đi, các chuyên gia cũng nhận định thanh toán điện tử qua ứng dụng ngân hàng di động, QR Code, thẻ... hứa hẹn trở thành phương thức phổ biến, thay cho tiền mặt bởi tính tiện ích, an toàn và ngày càng hiện đại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó tiếp cận các dịch vụ tài chính này. Để góp phần phát triển thanh toán không tiền mặt hướng đến phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các chuyên gia đã và đang ráo riết triển khai nhiều giải pháp, để thanh toán điện tử tiếp cận nhiều đối tượng hơn nữa.
Nhằm phân tích sâu hơn tiềm năng, ưu điểm lẫn khó khăn của thanh toán điện tử trong bối cảnh xã hội đang chuyển động không ngừng và nền kinh tế vận hành theo cơ chế mới, VnExpress tổ chức tọa đàm "Thanh toán điện tử trong trạng thái mới - thách thức và cơ hội", phát sóng lúc 14h ngày 27/7.
Các chuyên gia lần lượt chia sề thanh toán điện tử nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung, ý nghĩa và vai trò của chúng ra sao trong trạng thái mới? Các giải pháp nào có thể xây dựng xã hội không tiền mặt, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số 4.0 tại Việt Nam? Công nghệ thanh toán thay đổi, chuyển động ra sao trong tương lai?...
Tham dự tọa đàm là những chuyên gia lớn trong ngành gồm: ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); bà Phạm Châu Loan - Phó Trưởng phòng Phát triển kênh số Đối tác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Kinh doanh, Ví điện tử Foxpay. Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Dương Thành từ VnExpress.
Thi Quân