Toạ đàm "Mở rộng kênh tiêu thụ điện tử cho trái cây khu vực phía Nam" có sự tham gia của 3 khách mời là ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ và ông Phan Trọng Lê - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển và thương hiệu, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post)
Độc giả theo dõi toạ đàm tại đây
Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều tỉnh thành đã khiến việc kết nối tiêu thụ nông sản trên cả nước nói chung và đặc biệt tại khu vực phía Nam nói riêng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi hàng nghìn tấn trái cây và nông phẩm khác không tìm được đầu ra.
Các mặt hàng trái cây tại khu vực phía Nam có dấu hiệu cung vượt cầu do các vùng nông nghiệp đang vào mùa thu hoạch trong khi các doanh nghiệp thương lái không thể tiếp cận hết các địa bàn để thu mua do các quy định chống dịch.
Tại Sóc Trăng - địa phương nông nghiệp trọng điểm, nơi sở hữu lượng nông sản dồi dào, đặc biệt với sản lượng lúa hàng năm trên hai triệu tấn, tuy nhiên, vì tác động của dịch bệnh, việc tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản của tỉnh bao gồm nhãn, xoài, cam... và đặc biệt là lúa hè thu đang vào mùa thu hoạch gặp trở ngại lớn, cần sự chung tay kết nối tiêu thụ.
Trước thực trạng đó, việc mở rộng các kênh bán hàng điện tử cho nông sản tại thời điểm này được nhiều chuyên gia nhận định là "phao cứu sinh" cũng như là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản Việt tương lai.
"Đưa nông sản lên sàn thương mại trong nước và quốc tế là một trong những giải pháp tránh ùn tắc thời dịch", ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại Toạ đàm 'Giải quyết nút thắt lưu thông hàng hóa nông sản thời dịch' do VnExpress tổ chức ngày 10/8.
Thực tế, khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ ban ngành cùng các đơn vị phân phối nông sản, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ có thêm đầu ra cho nông sản, như Sendo, Postmart...
Cụ thể, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các Sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) thông qua Chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến" tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương như "Ngày đặc sản Sơn La" (Sendo.vn), "Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre" (Sendo.vn), đẩy mạnh các chương trình tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương (Postmart), Phiên chợ nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử Sendo hay chương trình hỗ trợ nho xanh Ninh Thuận, bơ ĐắkLắk, khoai lang tím ở Vĩnh Long, mận hậu Sơn La, lê thơm Tai Nung (Lào Cai), sầu riêng RI6 Trà Vinh...
Cho đến thời điểm hiện tại, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số đang là giải pháp đắc lực giúp người nông dân mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Để có thể mở rộng hơn nữa kênh tiêu thụ điện tử cho trái cây khu vực phía Nam, tại toạ đàm sắp tới, ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ chia sẻ về tình trạng ùn tắc trong tiêu thụ nông sản nói chung và tiêu thụ các loại trái cây của tỉnh Sóc Trăng hiện tại. Song song đó là các chương trình hỗ trợ đầu ra của nông sản tỉnh và các sáng kiến tiêu thụ thời gian tới, như đẩy mạnh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đại diện các sàn thương mại điện tử cũng sẽ đưa ra những đánh giá về sự thay đổi trong hành vi của người bán hàng và người tiêu dùng đối với giao dịch trên các sàn thương mại điện tử so với thời điểm trước dịch; những chiến dịch mà các sàn thương mại điện tử đã và đang thực hiện để giải quyết áp lực tiêu thụ cũng như quảng bá nông phẩm Việt.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho nông dân đứng ra làm đại diện cho chính sản phẩm mình trồng, không phải qua các khâu trung gian, các chuyên gia sàn thương mại điện tử cũng như các cơ quan chức trách sẽ đưa ra những chỉ dẫn, hỗ trợ cho người nông nhân trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông sản của mình trên các nền tảng số.
Toạ đàm "Mở rộng kênh tiêu thụ điện tử cho trái cây khu vực phía Nam" nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 và Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo. Độc giả gửi câu hỏi cho các diễn giả của tọa đàm "Mở rộng kênh tiêu thụ điện tử cho trái cây khu vực phía Nam" tại đây.
Nguyễn Phượng