Tọa đàm có sự tham gia của ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và doanh nhân trẻ Đoàn Hiếu Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Regal Motor Cars, người mang thương hiệu xe Rolls-Royce về Việt Nam. Ba diễn giả là đại diện cho ba nhân tố quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, anh Đoàn Hiếu Minh trên cương vị doanh nhân trực tiếp điều hành doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan là người nghiên cứu các vấn đề kinh tế, hiểu rõ những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện tại và ông Cao Sỹ Kiêm, một đại biểu quốc hội, người có thể nắm được mọi thay đổi của chính sách.
Tại buổi tọa đàm, câu chuyện về hành trình ba lần gõ cửa Rolls-Royce của anh Đoàn Hiếu Minh đã đưa ra cái nhìn mới mẻ và truyền cảm hứng cho các doanh nhân trẻ. Đó chính là tinh thần không dừng bước trước khó khăn, sẵn sàng bắt đầu nơi người khác dừng lại, luôn nỗ lực theo đuổi đam mê và tư duy sáng tạo.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh chia sẻ, là người đam mê xe từ nhỏ, ngay những năm học cấp ba anh đã đi làm, dành dụm tiền để mua cho mình một chiếc BMW cũ. Thời điểm đó, cả nước chỉ có một vài người sở hữu xe Rolls-Royce nên anh quyết định trình bày ý định trở thành đại lý của Rolls-Royce với hãng siêu xe này. Kết quả, năm 2013, sau nhiều nỗ lực, Regal Motor đã trở thành nhà phân phối xe Rolls-Royce tại thị trường Việt Nam. Giống như những thương hiệu cao cấp của Anh quốc khác, anh đã dùng chính yếu tố văn hóa và trải nghiệm cá nhân của khách hàng để tiếp cận và được hãng xe nổi tiếng này đồng ý. Thành công của Đoàn Hiếu Minh đã chỉ ra rằng, chỉ cần có đam mê, giữ vững niềm tin trước mọi thách thức và luôn tìm kiếm những giải pháp mới, cơ hội sẽ gõ cửa các doanh nghiệp.
Câu chuyện của doanh nhân Đoàn Hiếu Minh cũng là lời nhắn nhủ của chuyên gia Phạm Chi Lan với các doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế nhanh và mạnh mẽ sắp tới. Không phủ nhận hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế nhưng bà vẫn tỏ ra khá thận trọng khi nói về các thách thức.
Theo bà Lan, tất cả nhận định về TPP đều cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều từ TPP, tiêu biểu là các ngành dệt may, da giày, thuỷ sản nhưng nếu phân tích sâu hơn liệu người thực sự hưởng lợi có phải là doanh nghiệp Việt Nam hay không? Chẳng hạn, trong ngành dệt may, hơn 70% nguyên liệu dệt may hiện tại đều có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi đây là khâu mang lại giá trị gia tăng cao.
Trên quan điểm của một người nhiều năm nghiên cứu kinh tế và đang thực hiện một công trình nghiên cứu lớn và đầy đủ về dự báo kinh tế 5 năm tới, bà Phạm Chi Lan tỏ ra lo lắng cho doanh nghiệp Việt. Bà chia sẻ: "Tôi thấy chúng ta quá hào hứng nói về chuyện hàng hoá sẽ dễ dàng xuất sang nước bạn mà quên mất rằng hàng nước họ cũng dễ dàng vào nước ta". Các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với nhau mà sẽ cạnh tranh với đơn vị hùng mạnh từ hàng chục nền kinh tế lớn trên thế giới.
Bên cạnh phần chia sẻ của khách mời, người tham dự tọa đàm cũng đặt nhiều câu hỏi. Phần lớn khán giả đều quan tâm tới việc các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị như thế nào trước những cơ hội và thách thức của nền kinh tế hay nếu doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh trên chính thị trường Việt Nam thì liệu có nên mở hướng đầu tư ra thị trường các nước khác trong khu vực?
Để trả lời cho các câu hỏi này, bà Phạm Chi Lan chia sẻ, đúng như tinh thần của chủ đề buổi trò chuyện, các doanh nghiệp luôn có cách khác để đến được mục tiêu. Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi đồng thời tự xoay sở, sáng tạo và dám làm khác biệt để thành công trong giai đoạn hội nhập toàn cầu sắp tới.
(Nguồn: Báo Nhịp cầu đầu tư)