-
10h00
Đặc điểm của những xu hướng kiến trúc hướng tới chăm sóc sức khỏe. Vai trò, lợi ích của xu hướng này đối với bài toán phát triển đô thị tại Việt Nam. Lời khuyên đối với những nhà phát triển muốn theo đuổi xu hướng này? Đó cũng là nội dung chính được bàn thảo tại tọa đàm "Kiến trúc chữa lành – Xu hướng phát triển đô thị" do Vhome - kênh dữ liệu được phát triển bởi VnExpress thực hiện.
Ba diễn giả tham gia gồm ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng quy hoạch chung của Sở Quy hoạch TP HCM, ông Lê Minh Quang - Trưởng ban quản lý dự án Thành phố Cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend.
Các nội dung được diễn giả đề cập tại buổi tọa đàm sẽ là thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà đầu tư, khách hàng quan tâm tới yếu tố quy hoạch bền vững và kiến trúc hướng tới sức khỏe.
-
10h10
Thế nào là phát triển đô thị bền vững
Chia sẻ trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng bền vững là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị cùng như đời sống của con người. Một đô thị hiện đại, bền vững cần khai thác tốt nhất tài nguyên thiên nhiên sẵn có đồng thời phát triển hài hòa kinh tế đô thị, xã hội đô thị và môi trường đô thị.
"Nhắc đến một đô thị hiện đại, chúng ta phải thấy được chất lượng cuộc sống của cư dân ở đó và chất lượng môi trường tự nhiên xung quanh, sau đó là sự hài hòa của các yếu tố như cơ cấu, chức năng, tổ chức giao thông, điều kiện tự nhiên, xã hội trong đô thị", chuyên gia nhận định.
Ông Chính nhấn mạnh phát triển đô thị hiện đại nhưng phải bền vững, làm thế nào để đô thị hiện đại gắn kết với vùng miền, có sự lan tỏa và gắn kết giữa các đô thị khác nhau.
"Phát triển đô thị không những hướng đến thế hệ sau này mà còn gắn với sự bền vững của môi trường tự nhiên, cân nhắc cả yếu tố biến đổi khí hậu. Nếu không đảm bảo yếu tố đó thì đô thị có hiện đại cũng không thể bền vững", ông Chính cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn quy hoạch cho nhiều dự án tại Việt Nam: Khái niệm đô thị hiện đại bền vững cần lưu ý đến đặc trưng khu vực. Trong đó các yếu tố như mô hình phát triển, điều kiện vị trí địa lý, kinh tế, xã hội cần cân nhắc hài hòa để đảm bảo tính khả thi đồng thời đạt tiêu chuẩn hiện đại và bền vững.
"Ví dụ mô hình ở vùng cao cần xem xét kỹ về địa hình, điều kiện thiên nhiên, thời tiết, con người như thế nào để phát triển đô thị vẫn khả thi, có khả năng chống chịu với môi trường, vừa giữ gìn bản sắc của địa phương", ông Tuấn cho hay.
-
10h18
Phát triển đô thị phải có chiến lược lâu dài
Ông Lê Minh Quang, Trưởng ban quản lý dự án Thành phố Cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend: Quá trình phát triển đô thị hình thành trong giai đoạn 1999-2000, trong đó loại hình được ưa chuộng nhất là đất nền. Đến năm 2006, những khu đô thị xuất hiện mô hình mới là các chung cư cao tầng. Điều này cho thấy bộ mặt đô thị thay đổi rất nhanh, nhu cầu về điều kiện sống của con người ngày càng cao.
Ông Quang cho rằng phát triển đô thị nếu không có nghiên cứu kỹ càng và chiến lược lâu dài sẽ gây ra áp lực cho đô thị về dân số, hạ tầng, giao thông,... Do đó để đô thị phát triển hiện đại gắn với bền vững, ông Quang lưu ý về 3 tiêu chí quan trọng:
Thứ nhất, quy hoạch khu đô thị phải gắn với tính bản địa tại vùng miền để phát huy giá trị văn hóa của địa phương đồng thời hài hòa với tinh hoa văn hóa của thế giới.
Thứ hai, phát triển đô thị cần tôn trọng môi trường tự nhiên sẵn có của khu vực đó, tôn tạo thành không gian sống tốt hơn cho cư dân.
Thứ ba, không chỉ gắn với đặc điểm văn hóa và địa hình của địa phương, quy hoạch đô thị phải hướng đến kết nối vùng miền để cư dân đô thị có công ăn việc làm phù hợp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Tựu chung lại, ông Quang cho rằng đô thị hiện đại, bền vững là đô thị xanh, bản sắc và thịnh vượng.
-
10h20
Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn ở mức thấp
Ông Trần Ngọc Chính: Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á, nhưng còn thấp so với thế giới.
Ông Chính lấy ví dụ Nhật Bản với hơn 125 triệu dân, có nền công nghiệp rất hiện đại, do đó các đô thị của họ cũng đi theo mức độ phát triển nhanh đó.
"Đặc biệt các đô thị trung tâm, cảng biển như Tokyo, Osaka, Yokohama,... cho thấy quy hoạch đô thị của Nhật phát triển từ rất sớm, áp dụng hạ tầng giao thông hiện đại nhất kết nối các vùng và cả nước. Hiện nay phát triển đô thị tại Nhật hướng đến đô thị thông minh, xanh và bền vững", ông Chính cho hay.
Hay như Singapore có vị trí thuận lợi ở trung tâm hàng hải quốc tế do đó Chính phủ hướng đến mô hình thành phố toàn cầu. Mặc dù diện tích tương đương đảo Phú Quốc song tốc độ phát triển đô thị của Singapore rất nhanh, đặc biệt yếu tố bền vừng được tính toán kỹ càng. Do đó từ đô thị 3 triệu dân lên 6 triệu dân, dù diện tích không lớn nhưng đô thị của Singapore rất xanh và hiện đại.
"Xa hơn là Hà Lan, quốc gia có nhiều cảng biển với 17,2 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa tại Hà Lan đã đạt mức 92%. Trong khi Việt Nam mới đạt tỷ lệ đô thị hóa 40-41%", ông Chính cho biết.
-
10h30
Nguyên tắc quản lý phát triển đô thị bền vững
Ông Trần Ngọc Chính: Thước đo của quy hoạch đô thị hiện đại, bền vững là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo chất lượng đời sống của cư dân trong khu đô thị và chất lượng môi trường, tự nhiên xung quanh.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Nguyên tắc phát triển đô thị cần phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế của vùng miền và quốc gia. Từ đó quy hoạch thành phố từ hạ tầng giao thông, tiện ích, môi trường xã hội... đều hướng tới mục tiêu phát huy được thế mạnh kinh tế của địa phương.
Ông Lê Minh Quang: Tiêu chí quan trọng dành cho quy hoạch đô thị đó là chú trọng hệ sinh thái xanh. Mặc dù tiêu chí này được áp dụng rất nhiều trong bất động sản nghỉ dưỡng, song với khu đô thị vẫn chưa được các chủ đầu tư ưu tiên.
-
10h35
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển đô thị bền vững
Ông Trần Ngọc Chính: Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị bền vững. Trong đó bất động sản gắn với khu đô thị, nhà ở thương mại là ưu tiên trong quy hoạch đô thị để phục vụ đời sống con người.
Theo ông Chính, so với đô thị tại Hà Lan, Nhật Bản, Singapore đã phát triển ở mức cao, quy hoạch đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành nên có điều kiện học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm các nước khác và áp dụng vào bối cảnh riêng biệt của mình.
Ông Chính lấy ví dụ Hà Nội là trung tâm đô thị đa chức năng tại Việt Nam, trong khi thủ đô tại các nước khác thường giữ một chức năng hành chính hay nhiều quốc gia có 2 thủ đô. Từ vai trò đa chức năng, dẫn đến quy hoạch đô thị cần mở rộng vùng thủ đô. Điều này đã được thực hiện từ một thập kỷ trước, đến nay đã mở rộng ra 5 khu đô thị vệ tinh và 3 đô thị sinh thái.
"Việc hình thành đô thị vệ tinh là để sao lưu mô hình đô thị lõi hiện đại sang khu vực xung quanh, đồng thời vẫn lưu giữ được giá trị văn hiến, hình cốt của vùng đô thị cổ. Quy hoạch đô thị Hà Nội giống với quy hoạch chiến lược vùng Paris tại Pháp", ông Chính cho hay.
Hay tại TP HCM, quy hoạch đô thị trung tâm hướng đến mục tiêu kết nối vùng kinh tế tốt hơn, biểu hiện là hệ thống giao thông hướng tâm rõ ràng. Đó là hướng phát triển đô thị tại Việt Nam, vừa học hỏi quốc tế song vừa có hướng đi khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và văn hóa.
Ông Chính tiết lộ tại Việt Nam, Bộ Chính trị sắp ban hành nghị quyết về đồ án phát triển đô thị hóa. Điều đó cho thấy quy hoạch phát triển đô thị hiện đại và bền vững là ưu tiên của Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Anh Tuấn: Việt Nam có đặc thù trải dài theo vĩ độ địa lý từ Bắc tới Nam nên có điều kiện địa hình, khí hậu đa dạng. Do đó, phát triển đô thị tại mỗi vùng cần gắn với điều kiện địa hình, thời tiết đặc thù. Ví dụ, đặc trưng đô thị vùng đồi núi cao là tận dụng độ dốc, độ cao. Do đó, mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, tôn trọng địa hình tự nhiên là điều mà các doanh nghiệp nên quan tâm.
-
10h45
Muốn xây dựng khu đô thị kiểu mẫu tại Đắk Lắk
Ông Lê Minh Quang: Trung Nguyên Legend muốn xây dựng dự án Thành phố Cà phê trở thành một mảnh ghép muốn xây dựng nơi này thành thủ phủ cà phê toàn cầu nhằm nâng cao vị thế của ngành cà phê Việt Nam trên toàn thế giới.
"Ý tưởng xây dựng thành phố mẫu mực, cộng đồng tỉnh thức đã được hình thành từ 15 năm trước trong hội nghị xúc tiến về đầu tư về cà phê tại Đắk Lắk. Theo đó, trong đề án này nêu rõ, muốn đưa Buôn Mê Thuột trở thành dự án về thiên đường cà phê thế giới và là điểm đến của 2,5 tỷ người yêu và đam mê cà phê, chúng tôi cần tạo nên vùng đất lõi đậm về bản sắc văn hóa hòa nhập với thế giới, tạo ra các công trình mang tính biểu tượng, thu hút nhiều lượt khách quan tâm", ông Quang cho biết.
Đơn cử, dự án Bảo tàng Thế giới Cà phê khi hình thành đã thu hút hàng triệu lượt khách quan tâm và ghé thăm. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng thêm nhiều công trình mang tính biểu tượng khác nhằm giúp cho cư dân tương lai của Thành phố Cà phê hướng tới cuộc sống chú trọng yếu tố tinh thần " Tâm - Thân -Trí". Từ đó, chúng tôi vận dụng triết lý thiết kế theo mô hình kiến trúc chữa lành vào dự án.
Ông Quang nhấn mạnh, dự án muốn xây dựng khu đô thị mẫu, nhân rộng ra các địa phương khác. Vì thế, Trung Nguyên Legend rất chú trọng về hình mẫu thiết kế thông qua đóng góp, tư vấn từ nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới, định hướng nhân rộng thành khu đô thị kiểu mẫu trong hiện tại và tương lai.
-
10h50
Trường phái kiến trúc chữa lành xuất hiện từ thập niên 70
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trường phái kiến trúc chữa lành, vật lý trị liệu đã xuất hiện từ thập niên 70 trên thế giới. Xu hướng này ưu tiên tổ chức không gian công trình kết hợp cảnh quan để tạo ra không gian sống tối ưu, đo chỉ số môi trường và sức khỏe thể chất, tâm lý con người.
Tại Việt Nam, trường phái này đang hình thành ở khu vực Tây Nguyên. So với thế giới, kiến trúc chữa lành ở Tây Nguyên gắn với giá trị thể chất, tinh thần của con người đồng thời ưu tiên giá trị bản địa là cây cà phê.
"Không chỉ gắn với chức năng về con người, môi trường mà trường phái chữa lành còn gắn với văn hóa cà phê, gợi ra văn hóa nông nghiệp đặc trưng tại Việt Nam, đây là điểm khác biệt của mô hình này ở Việt Nam so với thế giới", ông Tuấn cho hay.
Ông Lê Minh Quang: Kiến trúc chữa lành là mô hình đã phát triển từ rất lâu tại các quốc gia có quy hoạch đô thị ở mức cao như Nhật Bản, Mỹ,... song khái niệm này ở Việt Nam còn rất mới. Do đó để đạt mục tiêu tiên phong áp dụng trường phái chữa lành trong dự án khu đô thị, Tập đoàn Trung Nguyên đã chuẩn bị ngay từ khi xây dựng dự án.
Trong đó dự án Thành phố Cà phê đi theo quy hoạch tôn trọng vị trí địa lý và địa hình tự nhiên có sẵn như độ dốc, thảm thực vật nhằm gắn kết con người với đặc điểm riêng có của địa phương.
Ngoài ra doanh nghiệp còn nghiên cứu và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, có sẵn tại địa phương để tạo nên hệ sinh thái đồng bộ. Nguồn năng lượng sạch, gắn với tự nhiên như ánh sáng, không khí, đối lưu gió,... cũng được Trung Nguyên Legend áp dụng trong quy hoạch đô thị để tạo dựng thành phố mẫu mực, điển hình cho kiến trúc chữa lành.
-
11h10
Trung Nguyên ưu tiên phát triển tiện ích chữa lành, chăm sóc sức khỏe
Ông Lê Minh Quang: Tập đoàn Trung Nguyên đặt mục tiêu phát triển Buôn Mê Thuột thành đô thị lõi đậm bản sắc văn hóa, trở thành thủ phủ cà phê của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, Trung Nguyên có hướng đi khác biệt là tập trung hoàn thiện các hạng mục tiện ích hướng đến chăm sóc sức khỏe, chữa lành trước các hạng mục nhà ở.
Tiện ích nổi bật nhất tại dự án Thành phố Cà Phê phải kể đến Bảo tàng Thế giới Cà phê. Công trình này đã đi vào hoạt động, thu hút 2 triệu lượt khách trong 2 năm. Ngoài ra doanh nghiệp còn phát triển các tiện ích khác hướng đến thân - tâm - trí như vườn Zen, khu cưỡi ngựa, bắn cung, khu vực thiền,...
Ông Quang cho biết thêm dự án Thành phố Cà Phê đặt mục tiêu trở thành khu đô thị kiểu mẫu nhằm mở rộng mô hình phát triển đô thị bền vững, giàu giá trị bản địa sang các khu vực khác.
Ông Trần Ngọc Chính: Mô hình thành phố cà phê là một danh từ mới trong phát triển đô thị, đánh dấu bởi dự án của Trung Nguyên Legend. Dự án này nằm trong chiến lược phát triển đậm tính bản địa của Buôn Ma Thuột.
"Chúng ta từng biết đến thành phố đại học, thành phố điện ảnh song thành phố cà phê chưa từng có trên thế giới hay Việt Nam. Trong tương lai mô hình này sẽ thu hút được nhiều du khách, có tiềm năng trở thành biểu tượng của Tây Nguyên để giới thiệu ra quốc tế", ông Chính chia sẻ.
-
11h15
Triển vọng phát triển đô thị hiện đại bền vững
Ông Trần Ngọc Chính: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh, việc phát triển đô thị hiện đại và bền vững đặt ra bài toán cho Chính phủ. Việt Nam đã áp dụng chiến lược biến thách thức thành cơ hội, sống thích ứng để bền vững. Mục tiêu là từng đô thị sẽ có những chiến lược phát triển bất động sản phù hợp, đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.
Ông Lê Minh Quang: Thành phố Cà phê tập trung phát triển mô hình kiến trúc chữa lành xuyên suốt dự án. Từ đó đến nay, dự án đã tạo thành một khu đô thị kiểu mẫu về những công trình mang tính biểu tượng, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa. Hơn thế, dự án còn hướng tới tầm nhìn trở thành tinh hoa văn hóa của thế giới.
"Dự án đã và đang tập trung phát triển các công trình tiện ích cho cư dân làm giàu cho cư dân về thân - tâm - trí, hình thành mô hình mẫu để các địa phương khác có thể nhân rộng", ông Quang nhấn mạnh.
Để nhân rộng mô hình này, ông Quang lấy ví dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa lâu đời như văn hóa Óc Eo và sông nước. Tuy nhiên, hiện nay những nền văn hóa này đã dần mai một, tận dụng lợi thế đó, địa phương này cũng có thể áp dụng mô hình kiến trúc chữa lành để phát huy đặc sắc văn hóa bản địa vùng miền kết hợp với việc phát triển kinh tế.
Theo ông Quang, dự án Thành phố Cà phê luôn đặt yếu tố chăm sóc sức khỏe cho cư dân là yếu tố tiên quyết. Theo đó, để hướng tới mục tiêu lấy con người làm định hướng phát triển, dự án đã và đang hoàn thiện các công trình tiện ích, hệ sinh thái, cơ sở vật chất, cảnh quan thiên nhiên, công năng cho 3 thế hệ, thiết kế tối ưu về thông tin, sử dụng ánh sáng tự nhiên để giúp cư dân tại đây có nhiều trải nghiệm tốt, hướng tới giá trị bền vững về tinh thần, sức khỏe.