
Một cử tri Thái bức xúc khi điểm bỏ phiếu phải đóng cửa do bị người biểu tình chống chính phủ cản trở hôm 2/2. Ảnh: AFP
Với tỷ lệ 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã thông qua phán quyết không chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử hồi tháng hai, bởi nó đã không được tổ chức trong cùng một ngày, AFP dẫn lời người phát ngôn tòa án.
Phản ứng trước phán quyết trên, người phát ngôn của đảng Pheu Thai cầm quyền cho biết đây là một kết quả đáng tiếc và sẽ "tạo ra một tiền lệ xấu".
Cuộc bầu cử sớm hôm 2/2 là giải pháp chính trị được Thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, nhưng đã vấp phải sự phản đối và tẩy chay của phe đối lập. Cuộc bỏ phiếu bị gián đoạn tại 127 trong 375 khu vực bầu cử trên toàn quốc, với khoảng 12 triệu cử tri đủ điều kiện đã không thể đi bỏ phiếu.
Đảng Dân chủ đối lập ngay sau đó đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử và phế truất Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kiến nghị trên với lý do không đủ cơ sở. Còn kiến nghị lần này là do một giảng viên luật tại Bangkok đệ trình.
Tòa án Hiến pháp từng có lịch sử chống lại đảng của bà Yingluck. Cơ quan này đã hủy một cuộc bầu cử cách đây 8 năm và hai lần giải thể các đảng thân nhà Shinawatra, cũng như cấm các quan chức cấp cao của đảng tham chính.
Đức Dương