![]() |
Đại diện VKS tại tòa. |
Trong những ngày diễn ra phiên toà, các ông Bùi Quốc Huy, Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh đều từ Hà Nội vào lưu trú tại TP HCM. Hằng ngày, các bị cáo này đến toà án bằng các phương tiện cá nhân (xe ôm, người nhà đưa tới, taxi) và chưa phải khai báo với toà về chỗ ở hiện tại của mình.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Yến cũng xin phép vắng mặt tại các phiên xét xử không liên quan, vì đang mang thai. Nguyễn Thị Kim Yến là bạn gái của Văn Công Tiến - một trong số những tên trực tiếp cầm dao đâm chiến sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn. Chủ toạ Bùi Hoàng Danh nhấn mạnh, toà đã nhiều lần nhắc nhở luật sư của các bị cáo cần theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ cũng như những yêu cầu của thân chủ mình để chủ động đăng ký với hội đồng xét xử. Yến bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng giết hại chiến sỹ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn cùng bạn là Hồ Phước Hưng, Yến cùng đồng bọn của Văn Công Tiến đã tổ chức cho Tiến trốn đi Nha Trang.
HĐXX cũng cho phép các bị cáo tại ngoại và những người có liên quan cùng luật sư được phép vắng mặt tại phiên toà nếu toà án chưa yêu cầu. Trong 3 ngày đọc cáo trạng vừa qua, nhiều người đã ngồi nói chuyện hoặc đọc báo khi VKS chưa đề cập đến phần liên quan đến mình.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hiếu Minh (tức Minh "sứt") có đề nghị toà xem xét đến điều khoản trong cáo trạng truy tố về tội danh của bị cáo. Bị cáo Nguyễn Hiếu Minh bị truy tố về tội đánh bạc và tổ chức cá độ bóng đá trong một vụ án khác. Thẩm phán Bùi Hoàng Danh cho biết việc này sẽ được toà xem xét sau.
Theo cơ quan công tố, Năm Cam cùng đồng đảng xã hội đen bắt đầu tiến hành mua chuộc các quan chức nhà nước từ đầu năm 1995, khi y nhận ra mình bị công an theo dõi. Lần đầu tiên này, y ra Hà Nội đưa cho Trần Văn Thuyết 10.000 USD. Thuyết khai đưa tiền cho một cán bộ công an nghỉ hưu nhờ chuyển đơn kêu oan lên bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không đủ cơ sở chứng minh.
Đợt hối lộ thứ 2 bắt đầu ngay sau khi Năm Cam bị bắt tập trung lao động cải tạo (tháng 5/1995). Theo lời khai của vợ và con rể Năm Cam là Phan Thị Trúc, Trần Ngọc Hiệp, từ đó đến năm 1997, Trần Văn Thuyết đã nhận tổng cộng 67.000 USD, 10 triệu đồng và 1 đồng hồ Rolex trị giá 5.000 USD. Số tiền này Thuyết chi hết 51.000 USD, trong đó chi cho bị cáo Trần Mai Hạnh (lúc đó là Tổng thư ký Hội Nhà báo, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) 6.000 USD và 1 đồng hồ đeo tay trị giá 2.500 USD. Ông Hạnh không thừa nhận việc này, song theo tài liệu điều tra, việc đưa hối lộ luôn có mặt Thuyết và Hiệp, nên đủ cơ sở kết luận ông Hạnh có hành vi nhận hối lộ.
![]() |
Bị cáo Phạm Sĩ Chiến luôn giữ bộ mặt căng thẳng. |
Cũng bằng số tiền trên, Thuyết khai đã mua tặng và lắp đặt cho gia đình bị cáo Phạm Sĩ Chiến một dàn máy nghe nhạc trị giá 28,5 triệu đồng. Xong việc, ông Chiến nói: “Hết bao nhiêu anh trả”. Thuyết trả lời: “Thôi anh ạ, biếu anh”. Ông Chiến đáp: “Anh cám ơn”. Bị thẩm vấn về vấn đề này, bị cáo Chiến một mực khẳng định là vợ đã thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên lời khai của cựu phó viện trưởng VKSND Tối cao lại mâu thuẫn với lời khai của bà vợ Phạm Thị Chức. Vì vậy, VKSND Tối cao cho rằng ông Chiến đã nhận hối lộ dàn máy này.
Đáp lại “thiện tình” của gia đình Năm Cam, ông Chiến cũng như ông Hạnh đã có những văn bản, ý kiến phản đối việc giam giữ cải tạo Trương Văn Cam, thúc ép để Năm Cam được trả tự do trước thời hạn. Thậm chí ông Hạnh còn lợi dụng chức vụ tổng biên tập tờ Nhà Báo & Công Luận đăng nội dung Công văn 1333 ngày 18/9/1996 của VKSND Tối cao do ông Phạm Sĩ Chiến ký, kiến nghị Bộ Nội vụ hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam. Văn bản này đóng dấu “Mật”, nên hành vi của ông Hạnh cấu thành tội cố ý làm lộ bí mật công tác.
Theo cáo trạng, hành vi phạm pháp của bị cáo Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến đều xảy ra trong khoảng thời gian 1995-1997. Tuy nhiên, VKSND Tối cao truy tố ông Chiến tội hối lộ theo điểm c, d, e Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 1985 (của hối lộ có giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, và lạm dụng chức vụ quyền hạn) với hình phạt 5-15 năm tù. Còn ông Hạnh bị truy tố theo Bộ luật Hình sự năm 1999: tội hối lộ tại khoản 3 Điều 279 (của hối lộ có giá trị 50 - dưới 300 triệu đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng) với hình phạt 10-20 năm tù; và tội làm lộ bí mật công tác theo khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 1985, có hình phạt cải tạo giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Ông Bùi Quốc Huy được cáo trạng đề cập đến với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông này là giám đốc Công an TP HCM, từ tháng 4/1996 đến 7/2001. Suốt thời gian này, các ngành chức năng thành phố đã nhiều lần họp bàn xử lý nạn các băng nhóm xã hội đen thanh toán lẫn nhau, tổ chức cờ bạc. Cuối năm 1999, Thành ủy cũng yêu cầu ông Huy báo cáo về việc Năm Cam tổ chức đánh bạc. Nhưng các chuyên án sau đó của công an thành phố không đạt hiệu quả. Thậm chí trong 2 vụ án mạng nghiêm trọng là vụ giết hại Dung Hà và vụ giết Phan Lê Sơn, ông Huy cũng không chỉ đạo đến nơi đến chốn, dẫn tới phải tạm đình chỉ điều tra, bỏ lọt tội phạm. Về việc này, trong buổi hỏi cung ngày 13/11/2002, ông Huy xác nhận: “Tôi thấy rằng lỗi ở tôi, sai ở tôi... tôi không làm hết trách nhiệm của mình do vậy một thời gian dài tôi không phát hiện nhiều cán bộ sai phạm”. Sự lơi lỏng của ông Bùi Quốc Huy đã tạo điều kiện cho nhiều sĩ quan công an khác sa vào tội lỗi, như Dương Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Trung, các cán bộ chiến sĩ ở quận 8... Vì vậy, VKSND Tối cao truy tố ông Huy về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự, với hình phạt 3-12 năm tù.
Theo cáo trạng, đợt hối lộ thứ 3 kéo dài từ khi Năm Cam đi tập trung cải tạo về (tháng 10/1997) đến khi y bị bắt (tháng 12/2001). Cơ quan chức năng có đủ cơ sở kết luận Năm Cam cùng 8 đàn em đã bỏ ra gần 900 triệu đồng để bảo vệ cho các sòng bạc hoạt động êm xuôi, không bị công an dòm ngó. Trong số này, hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an các phường ở quận 8 và lực lượng công an quận này nhận hối lộ mỗi người từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Như Lê Minh Hùng, nguyên đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự quận 8 nhận 38 triệu đồng trong 31 tuần hoạt động của sòng tài xỉu đặt tại địa phương này.
Theo lời khai của Năm Cam và đồng bọn, trong thời kỳ này chúng đã chi cho Dương Minh Ngọc hơn 100 triệu đồng. Bị cáo Ngọc chỉ thừa nhận số tiền 16 triệu đồng, và cơ quan điều tra cũng chỉ đủ chứng cứ về số tiền này. Ngoài ra, cáo trạng còn đề cập việc Dương Minh Ngọc, lợi dụng cương vị trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM, thông qua Năm Cam để được góp phần hùn vào 3 nhà hàng (Cánh Buồm, Ra Khơi, Thanh Vy), hưởng lợi nhuận 600 triệu đồng. Hành vi này đủ cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Với các hành vi trên, Dương Minh Ngọc bị VKS truy tố về 2 tội: nhận hối lộ theo điểm b, e, g khoản 2 Điều 279 Bộ luật Hình sự 1999 (hình phạt 7-15 năm tù) và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điểm b, c khoản 2 Điều 281 đạo luật này (5-10 năm tù).
![]() |
Bị cáo Hoàng Linh tỏ ra bình thản. |
Tương tự như vậy, bị cáo Võ Quang Thắng, trong thời gian công tác tại báo Công An TP HCM đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt của Năm Cam và đàn em, của Võ Quang Luyến (trong vụ án Tamxeco), trục lợi qua việc giành mối bỏ rượu lậu... hơn 200 triệu đồng. Còn bị cáo Hoàng Linh, nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã lợi dụng ngòi bút của mình tống tiền, chiếm đoạt của Năm Cam, Liên Khui Thìn, và một số người khác gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình công tác Hoàng Linh còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, nhận quà biếu tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Quang Thắng bị đề nghị truy tố về 2 tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 280 Bộ luật Hình sự 1999 (hình phạt 6-13 năm tù); và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 281 (hình phạt 5-10 năm tù). Hoàng Linh cũng bị đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 281, còn ở tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản bị cáo này bị đề nghị xử lý theo khoản 3 Điều 280 (hình phạt 13-20 năm tù).
Bùi Đương - Nghĩa Nhân