Lệnh cấm biểu tình "liên quan trực tiếp tới các cuộc bạo loạn" được Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thông báo ngày 12/7, nhưng vấp phải phản ứng quyết liệt từ người dân. Những người tổ chức biểu tình đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án Paris như nỗ lực cuối cùng để phản đối lệnh cấm này.
Tuy nhiên, tòa án Paris ngày 15/7 quyết định ủng hộ lệnh cấm. Các thẩm phán nhận định đây là biện pháp cần thiết bởi "bản chất của các cuộc bạo loạn gần đây" cũng như tình trạng thiếu nguồn lực cảnh sát và nguy cơ bất ổn cao.
Lucie Simon, luật sư đại diện cho những người biểu tình, chỉ trích giới chức "cản trở tất cả các kênh đòi quyền dân chủ chính đáng".
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp vừa chứng kiến cuộc bạo loạn suốt nhiều ngày sau vụ cảnh sát bắn chết Merzouk, một người gốc Algeria 17 tuổi, vì vi phạm giao thông. Những kẻ bạo loạn còn đốt phá xe cảnh sát, hôi của từ các cửa hàng, buộc giới chức huy động lực lượng đông đảo để đối phó.
Cuộc bạo loạn liên quan cái chết của Merzouk trở thành vụ bạo lực đô thị tồi tệ nhất ở Pháp kể từ năm 2005. Theo số liệu được chính phủ Pháp công bố, hơn 3.700 người đã bị cảnh sát bắt, trong đó có ít nhất 1.160 trẻ vị thành niên.
Medef, công đoàn lớn nhất nước Pháp, cho hay bạo loạn khiến 200 cơ sở kinh doanh bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá bị phá hoại, gây thiệt hại 1,1 tỷ USD. Bạo loạn cũng làm nổi bật các vấn đề căng thẳng kéo dài của phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng, đặc biệt tại các khu dân cư đa sắc tộc.
Cuối tuần trước, khoảng 2.000 người đã tham gia biểu tình ở trung tâm Paris tưởng niệm một thanh niên da màu tử vong khi bị giam năm 2016, trong khi các cuộc biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát vẫn diễn ra khắp đất nước.
Hồng Hạnh (Theo AFP)