![]() |
Luật sư Jonathan Clifford Moore. Ảnh: P.V |
- Là trưởng đoàn luật sư biện hộ cho các các nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN, ông luôn khẳng định quyết định của tòa sơ thẩm và phúc thẩm hoàn toàn sai trái cả trên khía cạnh đạo đức và luật pháp. Vậy cơ sở nào để ông lập luận như vậy?
- Các điều luật quốc tế không hề cấm sử dụng chất diệt cỏ để làm rụng lá. Tuy nhiên, các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất diệt cỏ, trong đó có các độc tố dioxin để quân đội Mỹ rải xuống VN, gây ra những tổn hại không cần thiết cho hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ và hàng triệu người dân VN, thì lại hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đã chỉ ra điều này với các vị thẩm phán và trên thực tế Chính phủ Mỹ đã chia sẻ quan điểm với chúng tôi trước khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam diễn ra. Về mặt nào đó Chính phủ Mỹ đã thừa nhận tác hại của chất da cam đối với các cựu chiến binh của mình. Bởi vì hằng năm Chính phủ Mỹ chi một khoản tiền bồi thường là 1,5 tỷ USD cho các cựu chiến binh Mỹ vì những tổn hại mà họ phải gánh chịu.
Xét về đạo lý, không thể có chuyện những người lính đi phun rải chất độc hóa học có quyền được bồi thường trong khi đó những nạn nhân, người bị phun chất độc, lại không. Trên thế giới không có hệ thống pháp luật nào có thể giải thích, biện minh như vậy.
Tuy nhiên, trong các phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đã cố tình bóp méo sự thật, cố tình đặt vấn đề một cách khác, trong khi phía nguyên đơn đã có bằng chứng rõ ràng, đặt vấn đề rất rõ ràng. Cũng phải nhìn nhận tòa án lúc nào cũng có thể phạm sai lầm và đó là lý do chúng ta tiếp tục kháng án để tòa án lật ngược phán quyết sai lầm đó.
- Lập luận của các luật sư bên nguyên rất chắc chắn, nhưng vẫn bị tòa phúc thẩm bác đơn. Theo ông lý do vì sao?
- Thẩm phán là do tổng thống Mỹ bổ nhiệm và đã 7 năm nay rồi các thẩm phán đều do Tổng thống Bush bổ nhiệm. Đa số thẩm phán đều bảo thủ, trừ khi có áp lực to lớn, đặc biệt thì họ mới chấp nhận vụ kiện này. Chúng tôi hy vọng sẽ có những vị thẩm phán trung thực sẵn sàng đối mặt với vụ kiện này, gạt ra bên lề tất cả định kiến về VN, về chiến tranh. Tôi cũng hy vọng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền mới sẽ có thái độ thân thiện hơn và phần nào đó chịu trách nhiệm với những tổn thương mà quân đội Mỹ đã gây ra đối với người dân VN.
- Ông nhìn nhận thế nào trước ý kiến cho rằng các thẩm phán e ngại nếu chấp nhận vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam VN sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho Mỹ?
- Đó chính là luận điểm mà bên bị đơn đã đưa ra tại tòa án trong phiên tranh tụng miệng. Họ nói rằng nếu xem xét vụ kiện của các nạn nhân VN thì những nạn nhân của chất uranium tại cuộc chiến tranh Iraq, Cosovo cũng sẽ kiện các công ty hóa chất của Mỹ và như thế sẽ mở ra một tiền lệ xấu.
- Trước phán quyết của Tòa phúc thẩm Mỹ, đại diện cho các thân chủ của mình, nhóm các luật sư Mỹ sẽ làm gì?
- Ngày 7/3, chúng tôi đã nộp đơn thỉnh cầu yêu cầu Toà án phúc thẩm Mỹ xem xét lại vụ kiện và tin tưởng rằng các lý lẽ trong đơn có tính thuyết phục cao để toà xem lại quyết định của 3 vị thẩm phán ngồi xét xử vụ kiện vừa rồi. Nếu Toà phúc thẩm chấp nhận thì chúng tôi sẽ tranh tụng lần nữa với 13 vị thẩm phán.
Trong trường hợp Tòa phúc thẩm không chấp nhận xem xét đơn thỉnh cầu thì trong vòng 90 ngày kể từ nhận được sự trả lời, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên Toà án tối cao Mỹ. Toà án tối cao Mỹ họp từ tháng 10/2008 đến tháng 6/2009. Nếu đơn kháng án của các nạn nhân da cam VN được xét vào tháng 10 năm nay thì đến tháng 6 năm sau vụ kiện mới được ra xem xét. Trường hợp xấu nhất Tòa tối cao Mỹ bác đơn kháng án thì vụ kiện sẽ kết thúc về mặt pháp lý, nhưng về mặt chính trị, chiến dịch đâu tranh vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam VN vẫn được tiếp tục.
- Các nạn nhân chất độc da cam VN dựa trên những công cụ pháp lý nào để theo đuổi vụ kiện?
- Vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tiến hành gần như song song với vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ. Vụ kiện của cựu chiến binh Mỹ dựa trên luật quốc nội Mỹ, đó là các công ty hóa chất đã sản xuất ra sản phẩm mà không cho Chính phủ biết tính độc hại của chúng thì các công ty phải chịu trách nhiệm. Vụ kiện của chúng tôi dựa trên những điều luật quốc tế cấm sử dụng chất diệt cỏ có độc tố dioxin gây hại cho con người, nhưng đồng thời cũng dựa trên luật quốc nội của Mỹ để đưa ra những bằng chứng tương tự như trong vụ kiện của cựu chiến binh Mỹ.
Trường hợp cựu chiến binh Mỹ giành thắng lợi thì vụ kiện của các nạn nhân VN sẽ được hưởng lợi và được tiếp tục. Ngày 21/3, các cựu chiến binh Mỹ đã nộp đơn thỉnh cầu lên tòa án Mỹ và tôi tin rằng vụ kiện của họ dựa trên luật quốc nội có tính thuyết phục cao. Hy vọng chúng tôi có thể sử dụng luật quốc nội Mỹ ở trong vụ kiện của mình trong trường hợp thất bại khi sử dụng luật quốc tế.
- Nếu Tòa tối cao Mỹ không chấp nhận xét xử vụ kiện thì theo ông các nạn nhân dioxin VN có nên đưa vấn đề ra tòa án quốc tế?
- Việc có đem ra tòa án quốc tế hay không là do Chính phủ Việt Nam quyết định, bởi muốn kiện ra tòa quốc tế thì Chính phủ Việt Nam phải đứng đơn kiện. Tôi không có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, có một câu hỏi hiện nay là đã có một tòa án quốc tế nào về nhân quyền để khi quyền con người bị xâm phạm thì họ đến kiện? Câu trả lời của tôi là chưa có.
- Câu hỏi cuối cùng, để giúp các nạn nhân Việt Nam theo đuổi vụ kiện, cá nhân ông có chịu sức ép nào?
- Chúng tôi với tư cách là những luật sư của vụ kiện này khẳng định rằng không gặp phải bất kỳ áp lực nào từ phía Chính phủ yêu cầu hay ép buộc chúng tôi phải dừng việc tham gia vào vụ kiện. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy vụ kiện, đến một lúc nào đó tòa án Mỹ bắt các công ty hóa chất Mỹ chịu trách nhiệm đối với những tổn hại họ đã gây ra không chỉ đối với người dân VN mà còn với môi trường của VN.
Hồng Khánh