"Jammu và Kashmir nên được khôi phục tình trạng như các bang khác của Ấn Độ sớm nhất có thể", Tòa án Tối cao Ấn Độ cho biết trong phán quyết ngày 11/12. Tòa cũng chỉ đạo ủy ban bầu cử tổ chức bầu chính quyền bang trước ngày 30/9/2024.
Cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Jammu và Kashmir, vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi. Căng thẳng liên quan đến tranh chấp Jammu và Kashmir đã âm ỉ hơn 70 năm qua, làm bùng phát nhiều cuộc giao tranh, bất chấp thỏa thuận đạt được giữa Ấn Độ và Pakistan năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Ngày 5/8/2019, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi quyết định bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ, hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với Jammu và Kashmir, đồng thời đề xuất tách khu vực này thành hai vùng lãnh thổ do liên bang kiểm soát, gồm Jammu và Kashmir.
Động thái này gây tranh cãi gay gắt ở Kashmir và nước láng giềng Pakistan. Hàng chục đơn kiến nghị phản đối quyết định tước quyền tự trị của Jammu và Kashmir đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao. Những người đệ đơn khẳng định chỉ có hội đồng lập hiến của Jammu và Kashmir mới có thể quyết định tình trạng đặc biệt của khu vực này.
Chính quyền Thủ tướng Modi giải thích rằng quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt đối với Jammu và Kashmir là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này, giúp khu vực hội nhập với phần còn lại của đất nước.
Theo phán quyết hôm nay của Tòa án Tối cao Ấn Độ, quyết định năm 2019 của chính quyền Thủ tướng Modi được đưa ra vào thời kỳ cao điểm của quá trình hội nhập, do đó là "sự thực thi quyền lực hợp lệ",
Thủ tướng Modi hoan nghênh phán quyết "lịch sử" của Tòa án Tối cao, mô tả đây là "ngọn hải đăng hy vọng, lời hứa về tương lai tươi sáng hơn và minh chứng cho quyết tâm chung của chúng ta nhằm xây dựng Ấn Độ mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)