Ngày 19/12, tòa án phúc thẩm Saskatchewan đã giữ nguyên phán quyết sơ thẩm, khẳng định rằng biểu tượng cảm xúc "like" (ngón tay cái hướng lên) là có tính ràng buộc pháp lý, đồng nghĩa với sự xác nhận hợp đồng giữa hai công ty.
Nguyên đơn là công ty thu mua ngũ cốc South West Terminal (SWT) và bị đơn là công ty trồng và bán nông sản, Achter Land & Cattle Ltd. Đôi bên đã làm ăn từ năm 2012.
Tháng 3/2021, một nhân viên của SWT nói chuyện với cha con ông chủ Achter Land và đạt được thỏa thuận bằng lời nói mua 87 tấn lanh với giá 670 CAD mỗi tấn. Tổng đơn hàng khoảng 58.000 CAD.
Nhân viên SWT sau thỏa thuận miệng đã gửi ảnh mặt trước của một hợp đồng hai mặt cho Chris Achter kèm theo tin nhắn có nội dung: "Vui lòng xác nhận hợp đồng hạt lanh".
Ông Achter trả lời bằng biểu tượng cảm xúc ngón tay cái hướng lên.
Đến thời điểm giao hàng, vào khoảng thời gian giữa tháng 9 và tháng 11, giá lanh đã tăng lên tới 1.600 CAD mỗi tấn. Bên trang trại của Achter viện cớ mất mùa, không giao cho bên mua.
SWT do đó đã khởi kiện Achter vì hành vi phá vỡ hợp đồng.
Vụ kiện do đó xoay quanh việc liệu biểu tượng "like" có xác nhận hợp đồng hay chỉ xác nhận việc đã nhận được hợp đồng? Và liệu biểu tượng này có thể được sử dụng như chữ ký hay không?
Tại phiên sơ thẩm mở năm 2023, bị đơn cho rằng biểu tượng "like" trong đoạn chat không thể coi là chữ ký và có giá trị ký kết hợp đồng thương mại.
Ông Achter lập luận: Biểu tượng cảm xúc "like" chỉ cho thấy mình đã đọc tin nhắn, chứ không chấp nhận nó như một hợp đồng.
Phán quyết sơ thẩm đã đứng về phía nguyên đơn, cho rằng dữ liệu từ điện thoại di động cá nhân đôi bên thể hiện trong các cuộc trò chuyện trước đó, ông Achter cũng thường dùng biểu tượng này để thể hiện sự đồng ý. Điều này đủ để coi biểu tượng cảm xúc là chữ ký cá nhân.
Theo phán quyết phúc thẩm, Achter phải trả cho SWT số tiền chênh lệch, khoảng 82.200 CAD bồi thường thiệt hại, cộng với tiền lãi, vì vi phạm hợp đồng, cùng với các chi phí khác.
Bị đơn có thể là đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Canada, nhưng tòa án sẽ phải quyết định vụ việc có tầm quan trọng quốc gia thì mới được thụ lý.
Không phải tất cả thẩm phán phúc thẩm đều hoàn toàn ủng hộ phán quyết trước đó.
Một trong 3 thẩm phán phúc thẩm cho rằng có một hợp đồng giữa hai công ty được nêu trong tin nhắn văn bản, nhưng không đồng ý rằng tin nhắn "like" của Achter được coi là chữ ký điện tử.
Ông cho rằng, để được coi như câu "đồng ý" với hợp đồng, cần phải có điều gì đó có sức nặng hơn.
Cây lanh, hay cây gai, được trồng ở cac nước ôn đối, lấy hạt ép dầu và lấy sợi. Pháp là nước có sản lượng lanh lớn nhất, chiếm 75% tổng sản lượng thế giới.
Hải Thư (Theo CBC, Latin Times, Producer)