- Sau khi cùng Bình Dương khiến Sài Gòn nhận thất bại cay đắng tuần trước, hôm nay anh và các đồng đội lại đối đầu Viettel - đội đang đứng đầu bảng V-League. Cảm xúc của anh thế nào?
- Định mệnh cứ như sắp đặt để Bình Dương phải có tiếng nói trong cuộc đua vô địch V-League năm nay. Vòng trước chúng tôi đã chơi một trận hoàn hảo, thắng thuyết phục Sài Gòn FC 3-1 và góp phần đưa Viettel lên đỉnh bảng. Và vòng này, chúng tôi đụng độ chính đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng.
Viettel là tập thể mạnh, có nhiều tuyển thủ quốc gia giỏi như Nguyễn Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc... Nhưng họ không giỏi áp đặt thế trận mà mạnh về lối chơi phòng ngự - phản công. Tuy nhiên, trong tình thế hiện tại, khi chỉ nhiều hơn các đội đứng sau một đến hai điểm, muốn chắc chắn giữ lại đỉnh bảng, Viettel cần chiến thắng. Bởi vậy, họ có thể phải bỏ sở trường để đá tấn công, và đó là cơ hội cho chúng tôi rình rập chờ cơ hội.
Với cá nhân tôi, đây là trận đấu rất đặc biệt, bởi nó ghi dấu một kỷ niệm rất buồn, khiến giấc mơ khoác áo đội tuyển của tôi dang dở. Tối 19/9/2019, ngay trước trận đấu với Viettel, tôi được HLV Nguyễn Thanh Sơn thông báo có tên trong danh sách được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Nghe tin, tôi mừng như phát điên vì đó là giấc mơ của một đời cầu thủ. Nó còn lớn hơn cả ước mơ đã thành sự thực trước đó của tôi, là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ cậu bé đánh giày.
Tôi đã dặn lòng phải chơi thật tốt, để "ghi điểm" với HLV Park Hang-seo. Nhưng trớ trêu thay, tôi sớm phải rời sân ngay hiệp một vì bị lật cổ chân sau pha va chạm với trung vệ Bùi Tiến Dũng. Nỗi buồn nhân đôi khi trận đó Bình Dương thua, với một tình huống mà trọng tài bẻ còi, không công nhận một bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh.
Ban đầu, tôi nghĩ chấn thương không quá nặng, vẫn có thể lên tuyển. Tôi chườm đá rồi đắp lá thuốc với hy vọng hồi phục nhanh nhất có thể. Nhưng ngay buổi trưa lên tập trung đội tuyển, chân tôi sưng lên. "Thôi xong", ý nghĩ thất vọng xâm chiếm toàn bộ đầu óc tôi. Lên tuyển, nhìn anh em tập luyện máu lửa, còn mình chỉ có thể đi bộ quanh sân, tôi chán nản lắm. Cảm giác như trầm cảm vậy. Tôi đã nghĩ tới việc xin về cho xong. Nhưng sau đó HLV Park Hang-seo gọi lên, nói chuyện tầm 15 phút. Sau khi lắng nghe câu chuyện phấn đấu của tôi, từ thằng bé đánh giày chẳng có tương lai đến một cầu thủ chuyên nghiệp và luôn khát khao lên đội tuyển, thầy động viên rất nhiều và bảo cứ yên tâm chữa trị, cơ hội lần sau lại đến. Tôi xúc động lắm và những ý nghĩ tiêu cực trong đầu cũng tan biến hết.
- Cơ duyên nào đưa Tô Văn Vũ từ cậu bé đánh giày trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp?
- Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Xương, Thanh Hóa. Bố mẹ làm nghề đi biển, nhưng sau này không theo được nữa nên phải xa quê, kiếm cơm bằng nghề bán hàng rong. Tôi học xong cấp 3 thì cùng mẹ vào Biên Hòa, Đồng Nai vừa bán hàng vừa đánh giày. Ít lâu sau, bố và anh trai cũng vào, cả nhà sống trong một căn phòng trọ rộng khoảng 10m2.
Mẹ thương tôi, bảo cố gắng thi đại học. Năm 2011, tôi đăng ký thi Đại học công nghiệp TP HCM và Đại học TDTT II. Thú thực, từ trước khi đăng ký hồ sơ tôi đã xác định có đỗ cũng không học vì gia đình làm gì có tiền. Cuối cùng, tôi đỗ hệ cao đẳng, nhưng không nhập học. Tôi vẫn kiếm sống bằng nghề đánh giầy, rồi rảnh rỗi thì đi đá phủi để được thỏa đam mê.
Mọi chuyện cứ như vậy, cho tới một buổi sáng, khi tôi 20 tuổi. Một anh bạn bảo Đồng Nai đang thiếu quân để dự giải U21 Quốc gia, và rủ đi thử sức. Tôi xách giày đến, dự thi bằng một trận chia đôi đá đối kháng vào sáng thứ Bảy. Bất ngờ, tôi lập cú đúp trận đó khi đá tiền vệ phải, và một tuần sau được ký hợp đồng. Tôi khác các cầu thủ khác, bước vào bóng đá khi đã 20 tuổi và trước đó không được ăn tập ở CLB nào.
- Hành trình theo đuổi sự nghiệp bóng đá của anh sau đó thế nào?
- Lúc mới vào đội U21, tôi tự ti lắm. Mình là tay ngang, thể lực và kỹ thuật làm sao sánh bằng bạn bè. Vì thế, kết thúc các buổi tập của đội, khi đồng đội đi tắm rửa và ăn uống, tôi lại xách túi bóng ra sân tập thêm, từ tạt bóng đến sút chân trái... Hôm nào may mắn có bạn đồng hành thì tạt cho họ dứt điểm, không thì xách mác-cơ tập một mình. May mắn là sau vài tháng tôi thấy mình tiến bộ, không thua kém các đồng đội.
Nhưng để theo được bóng đá, tôi cũng trải qua nhiều phen khổ sở. Năm 2014, hàng loạt cầu thủ đội một Đồng Nai vướng lao lý vì bán độ. Cầu thủ trẻ chúng tôi nhìn vào thấy chán nản, và cảm giác không còn tương lai, nhiều người đã bỏ nghề. Tôi cùng một vài đồng đội trụ lại nhưng cũng không đủ người tập luyện, phải xuống ghép cùng lứa trẻ kém 4-5 tuổi.
Rồi khi Đồng Nai rớt xuống hạng Nhất và có thể sẽ giải thể, tôi hoang mang lắm. Tôi về nhà xin bố bỏ bóng đá để kiếm nghề khác sinh nhai. Nhưng bố bảo, đã lỡ theo rồi thì cứ kiên nhẫn chờ đợi, biết đâu có phép màu. Vậy là tôi lại vào Đồng Nai chờ tin. Trong lúc đó, chiều tôi đi đá phủi, đêm vừa đi làm nhà máy vừa bốc vác kiếm sống. May mắn, hai tháng sau có thông tin đội sẽ tiếp tục thi đấu, trở lại tập trung.
- Trong sự nghiệp của Tô Văn Vũ, ai là người có ảnh hưởng nhất?
- Nếu không có HLV Trần Bình Sự, không có tôi hôm nay. Năm 2016, tôi được thầy tin tưởng, cho đá tất cả các trận nên tiến bộ về chuyên môn.
Đúng hôm liên hoan tổng kết mùa 2016, lại râm ran thông tin mùa sau Đồng Nai giải thể. Tôi về Thanh Hóa, chán nản nghĩ sự nghiệp thế là hết. Bất ngờ HLV Trần Bình Sự gọi điện, bảo có muốn chơi V-League không để thầy giới thiệu. Thế là tôi được đến Hải Phòng, đi tập huấn cùng đội ở Quảng Ninh. Nhưng khi nghe biết HLV Trần Bình Sự có thể sẽ nắm một đội bóng ở phía Nam, tôi điện ngay xin theo. Lúc đó tôi chưa biết thầy sẽ huấn luyện Bình Dương, một ông lớn của bóng đá Việt Nam. Tôi chỉ nghĩ thầy đâu, mình theo đó. Ai ngờ, tôi lại có ngày khoác áo Bình Dương từng nhiều lần vô địch V-League, rồi được tín nhiệm đeo băng đội trưởng mùa này.
- Sau thời gian dài chi mạnh tay, Bình Dương bây giờ chuyển qua đá bằng lực lượng trẻ. Điều đó gây khó khăn như thế nào với Tô Văn Vũ và các đồng đội?
- Anh em cầu thủ không quá buồn khi đội bóng không được đánh giá là ứng viên vô địch. Chúng tôi trẻ, bảo nhau cố gắng thi đấu, máu lửa và nhiệt huyết. Có lẽ nhờ quyết tâm, thành tích của đội không tệ. Bình Dương đang đứng thứ năm nhưng cũng chỉ kém ngôi đầu của Viettel năm điểm. Biết đâu chúng tôi thắng họ, cục diện lại khác. Mục tiêu của Bình Dương năm nay là top 3.
Lâm Thỏa