Đầu tháng 8, chị Nguyễn Thị Đượm, 45 tuổi, ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, người vừa nhận 1,6 lượng vàng 24k (khoảng 125 triệu) vẫn chưa hết vui mừng. Đây là số vàng từ tổ hùn vốn tiết kiệm mà chị đang tham gia tại ấp 1.
Chị cho biết sẽ dùng số vàng này cộng với vốn hiện có của gia đình để mua cho con một miếng đất. Hơn chục năm trước, chị Đượm cũng cất được căn nhà 120 m2 trị giá gần 200 triệu đồng bằng đồng vốn của tổ tiết kiệm này.
"Tổ hùn vàng giúp các chị em có đủ vốn để xây nhà, mua đất hoặc phát triển kinh tế gia đình. Nếu không có số tiền này, nhiều người phải đi vay bên ngoài với lãi cao", chị Đượm nói, cho biết việc góp vốn xoay vòng cũng giúp chị em có động lực để tích lũy.
Ý tưởng lập các tổ hùn vàng tại địa phương có từ khoảng năm 2008. Xuất phát từ thực tế lợi nhuận vụ mùa thường khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu vốn để xây nhà hoặc đầu tư của bà con là cấp thiết, các chị em ở gần rủ nhau lập nhóm tiết kiệm bằng vàng. Hình thức này sau đó được nhân rộng và duy duy trì đến nay.
Chị Lê Thị Gấm, 47 tuổi, ở ấp 1, xã Trần Hợi, cho biết vùng này mỗi năm bà con thường làm 2 vụ lúa, mỗi vụ chỉ dư vài chỉ vàng. Số tiền này không thể đủ để xây nhà hay đầu tư làm ăn. Từ khi tham gia các nhóm hùn vàng, nhiều người xây được nhà khang trang, lại có động lực làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng gia đình chị đang ở phần lớn được xây từ số vàng hùn tiết kiệm.
"Năm 2012, tôi tham gia 3 tổ hùn vàng, khi nhận vốn được hơn 10 lượng. Thời điểm này, tôi bán vàng được hơn 450 triệu đồng, nhờ đó mới đủ tiền xây nhà", chị Gấm cho biết.
Chỉ tính riêng xã Trần Hợi hiện có 23 tổ hùn vàng, mỗi tổ 10-15 người tham gia. Theo thông lệ, tổ họp 6 tháng một lần. Ở mỗi kỳ, các thành viên sẽ mang 2-4 chỉ vàng, tùy theo giao kèo để hùn và có một người được nhận vốn bằng cách rút thăm, xoay vòng đến hết thành viên. Ai có nhu cầu vốn cấp thiết sẽ được tổ ưu tiên xem xét nhận vàng trước. Trung bình mỗi kỳ, chị em sẽ được 4-6 lượng vàng.
Bà Trần Kim Đào, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trần Hợi, cho biết các chị em nhận thức rằng "an cư thì mới lạc nghiệp". Do đó, ở những tổ đầu tiên các thành viên khi nhận vốn sẽ dùng để xây hoặc sửa nhà. Về sau, họ dùng vốn để mua sắm thiết bị, nuôi con ăn học, buôn bán hoặc đầu tư làm ăn.
Các tổ hùn vàng được thành lập trên tinh thần tự nguyện và có quy tắc riêng. Thành viên phải có hộ khẩu tại địa phương, có đất sản xuất hoặc mô hình kinh tế ổn định. Đặc biệt, cả vợ và chồng ký cam kết góp vốn đều theo từng kỳ; số vàng góp vốn phải được mua từ một cơ sở cố định.
"Ngoài quy định chung, mỗi tổ sẽ có những quy định riêng được phổ biến rất rõ ràng trước khi thành lập. Chị em nào có khả năng có thể tham gia nhiều tổ cùng một lúc", bà Đào nói, cho biết nhờ những quy định và lựa chọn người tham gia kỹ lưỡng nên mô hình hùn vàng tồn tại hơn 10 năm nay, song chưa có trường hợp nào khiếu nại hay mượn vàng mà không trả.
Hiện toàn huyện Trần Văn Thời có 67 tổ hùn vàng với 570 thành viên. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các tổ đã hùn được 86 chỉ vàng, giúp 7 thành viên xây nhà, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài các tổ hùn vàng, địa phương cũng phát triển được hơn 700 tổ hùn vốn tiết kiệm với số vốn xoay vòng hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ các chị em buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau Trần Thị Kiều Yến, cho biết hội luôn khuyến khích chị em phát triển các tổ tiết kiệm nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro phát sinh. "Hùn vàng giúp nhau là mô hình hiệu quả cao, cũng tạo động lực cho thành viên phấn đấu phát triển kinh tế, tích lũy vốn", bà nói.
Chúc Ly