Một ngày cuối tháng 5, Hà Nội giữa trưa nắng nóng đỉnh điểm, ông Trần Xuân Triều, bảo vệ ở cửa hàng số 66 Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) mồ hôi ròng ròng bê bình nước 19 lít từ trong nhà ra thay cho cái bình đặt ngoài cửa đã cạn khô.
"Nắng nóng, xe ôm, bán hàng rong hoặc người nhà bệnh nhân từ viện Nhi ra lấy nhiều", nói xong người đàn ông 60 tuổi lại đội nắng chạy xuống vỉa hè - nơi có tủ quần áo từ thiện đặt sát lề đường - đóng lại chiếc cánh vừa bị bung. Bước chân vào cửa hàng, ông lại rảo bước lên tầng 2, nơi đặt thư viện sách miễn phí sắp xếp lại bàn ghế và chỉnh vài quyển sách bị xô lệch trên giá.
Ông Triều chỉ là một trong hơn 30 người đang cùng thực hiện dự án "Tổ hợp miễn phí" lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Người đứng đầu dự án là chị Nguyễn Thị Thảo (37 tuổi), chủ một doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm.
Xuất phát ban đầu của tổ hợp là tủ quần áo miễn phí ra đời hơn một năm trước từ ý tưởng bảo vệ môi trường của nhân viên trong công ty. Với dự án này, mọi người có thể mang quần áo đến quyên góp ủng hộ và lấy thứ đồ mình cần với phương châm "Ai thiếu đến lấy, ai thừa mang cho". Có thời điểm lượng người mang quần áo cũ đến ủng hộ quá nhiều, 3 cửa hàng trải khắp Hà Nội của chị Thảo không còn chỗ để cất giữ.
Theo người phụ nữ này, để đáp ứng lượng lớn quần áo mọi người mang đến, hơn 30 nhân viên trong công ty vừa phải tiếp nhận vật phẩm, vừa sàng lọc, phân loại rồi xếp sắp vào tủ gọn gàng, thuận tiện cho người đến nhận. Ngoài 3 tủ từ thiện, số còn lại được đóng gói rồi gửi lên vùng cao và những nơi khó khăn.
Thành công với tủ quần áo, tháng 11/2019, tại cơ sở Chùa Láng, chị Thảo và chồng quyết định thành lập một thư viện, xuất phát từ mong muốn tạo không gian đọc miễn phí cho người trẻ. Thư viện này nằm tại tầng 2 một căn nhà đi thuê, tầng một để kinh doanh mỹ phẩm của công ty.
"Chúng tôi phải tự thiết kế rồi đóng kệ, trang trí, bày biện sách vở. Mỗi người một tay, cuối cùng căn phòng 40 m2 cũng biến thành một thư viện đúng nghĩa", chị Thảo chia sẻ những ngày đầu thành lập. Từ 500 cuốn sách ban đầu, hiện nay lượng sách trong thư viện đã lên tới hơn 1.000 cuốn, đủ các thể loại từ kinh doanh, triết học, Phật giáo cho đến nuôi dạy con. Số sách cũng tăng lên từng ngày do được bạn đọc và những người yêu sách khắp nơi gửi tặng.
Biết tới thư viện miễn phí, một người bạn của chị Thảo đã ủng hộ cây nước nóng lạnh và bình nước. Hiện nay đến thư viện, bạn đọc không chỉ được đọc sách mà còn được miễn phí đồ uống, cà phê, bánh kẹo, hoa quả...
Từ khi có "thư viện 0 đồng", một tuần từ 2-3 lần, Nguyễn Đức Anh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Thủy lợi lại vượt gần chục km đến đây mượn sách.
"Em có thể tìm được sách tiếng Anh, kinh tế tại thư viện này. Ở đây ngồi bao lâu cũng chẳng thấy chán", chàng sinh viên trẻ cho hay. Không chỉ đọc sách tại thư viện, Đức Anh còn có thể mượn những quyển sách cậu tâm đắc mang về.
Theo chàng sinh viên 20 tuổi, thời điểm thư viện đông nhất là vào buổi tối. Ngoài học tập, ở thư viện này, những sinh viên như Đức Anh còn có cơ hội trao đổi học tập với bạn bè khắp nơi. Những trưa hè nóng bức thư viện còn là nơi nghỉ chân của những tài xế công nghệ. Họ vào uống nước hoặc tranh thủ nghỉ ngơi vài chục phút sau những giờ chạy xe vất vả.
"Sắp tới chúng tôi sẽ tìm địa điểm để mở thêm những tổ hợp 0 đồng này, phục vụ được nhiều người hơn", chị Nguyễn Thị Thảo khẳng định sau khi Đức Anh chia sẻ bạn bè cậu rất muốn đến thư viện nhưng do nhà khá xa nên có chút e ngại.
Ngoài thư viện, tủ quần áo và nước uống miễn phí, sắp tới đây chị cùng đồng nghiệp dự định mở những lớp học về quản trị kinh doanh, kỹ năng sống miễn phí cho các bạn trẻ tại thư viện.
Nhóm thiện nguyện này còn đang xây dựng website "kết nối cho và nhận" trên quy mô toàn quốc. Mục đích là trao đổi những vật dụng không dùng tới, thuận tiện cho những người ở tỉnh xa. Theo kế hoạch, hơn một tháng nữa website này chính thức đi vào hoạt động.
Hải Hiền