12h trưa 22/8, ông Nguyễn Thanh Dũng, 58 tuổi, Tổ trưởng dân phố 37, phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) túc trực ở ngã ba Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ 1A đi qua Đà Nẵng), giao với Phan Văn Định, cùng mười tình nguyện viên khác giữ chốt.
Một tuần qua, 30 thành viên Ban điều hành khu dân cư chia nhau mỗi ngày 3 ca trực, bám đường để kiểm soát chặt việc người dân không ra khỏi nhà. "Tổ dân phố từng có hơn 100 F1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở công ty Việt Hoa, hồi giữa tháng 7. May mắn giờ vẫn là vùng xanh nên phải giữ", ông Dũng nói.
Chốt kiểm soát đặt ở cửa ngõ 5 khu dân cư của 9 tổ dân phố, cạnh đó là lán tạm che bạt, bên trong có chiếc giường xếp để các thành viên thay nhau nằm nghỉ khi trực 24/24. Đây cũng là điểm cuối của phường Hoà Khánh Bắc tiếp giáp phường Hoà Hiệp Nam, với nhiều đường ngang lối mở. Cư dân đa số là công nhân thuê trọ để làm việc trong Khu công nghiệp Hoà Khánh.
Dấu hiệu nhận biết những người được ra đường của các tổ dân phố là tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ Tổ Covid-19. Riêng tổ trưởng, tổ phó có thêm thẻ xác nhận của UBND phường. Ông Dũng đeo thẻ trước ngực, cẩn thận bỏ kèm chứng minh nhân dân để "xác thực".
Nhiệm vụ của ông là giám sát việc người dân không ra khỏi nhà ngay từ khu dân cư và hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình. Ông Dũng chọn một số tình nguyện viên "mạnh khoẻ, nhiệt tình, trách nhiệm" để vừa đảm bảo trật tự, vừa lo hậu cần bất kể ngày hay đêm.
Ba ngày trước, anh Nguyễn Lương Ái, tình nguyện viên Ban điều hành khu dân cư tổ 37, trong lúc đi giám sát đã phát hiện bốn thanh niên tụ tập. Sự việc được báo ngay cho công an phường xuống lập biên bản để xử phạt.
"Đa số người dân chấp hành tốt, song một số người thiếu ý thức, cố tình vi phạm thì phải bị xử lý để không uổng phí những ngày cả thành phố cách ly", anh Ái nói. Làm việc tại Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không Việt Nam (chi nhánh khu vực miền Trung), khi thành phố tạm dừng hoạt động, anh Ái xung phong trực chốt "bất kể ngày hay đêm, có việc là tôi tham gia ngay".
Nhiệm vụ khác của tổ dân phố là đảm bảo nhu yếu phẩm cho khu dân cư. Những ngày qua, thành phố tiếp nhận 3.400 tấn rau, củ, quả từ hai doanh nghiệp tài trợ và chuyển ngay xuống hàng nghìn Ban điều hành khu dân cư trên địa bàn để phát cho người dân.
Tổ của ông Dũng có 146 hộ với 606 nhân khẩu, cộng với 406 phòng trọ có 717 công nhân thuê ở (chưa kể trẻ em), tính ra gần 1.200 người. "Nhận rau, củ, quả từ phường phân phát về, chúng tôi phải chia đều và đủ 550 suất, xong lúc nào đi trao ngay lúc đó", ông nói và cho biết người dân nhận được hàng "tiếp tế" ai cũng vui và yên tâm khi ở nhà.
Người dân cũng được phát phiếu đăng ký mua nhu yếu phẩm ở các siêu thị, cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn, tần suất 3 ngày một lần. Các tổ dân phố đảm nhận luôn việc đi mua và giao hàng, vì người dân không được ra đường, các shipper dừng hoạt động.
Bà Bùi Thị Hoa Lý, 58 tuổi, Tổ dân phố 37, cho biết những ngày qua đã nhận hơn 500 đơn hàng, chủ yếu là công nhân, có hôm đi giao tận nhà đến gần 0h đêm mới xong. Trên đường đi chợ giúp, hễ gặp các tổ bên cạnh đang chia rau, củ, quả, bà Lý lại tạt vào xin một vài phần để về "cho thêm các gia đình công nhân vì cuộc sống họ lúc này rất khó khăn", bà nói.
Tổ trưởng dân phố những ngày này nhiều khi phải kiêm luôn phần việc dẫn đường xe cấp cứu và lập hàng rào cách ly. Trưa 20/8, ông Đinh Văn Tuấn, 65 tuổi, Tổ trưởng dân phố 35, phường An Khê (quận Thanh Khê), đang ngồi trực chốt trên đường Nguyễn Phước Nguyên thì nhận điện thoại y tế phường thông báo "có ca F0".
Chỉ ít phút sau, xe cứu thương đã có mặt. Ông Tuấn xếp vội cuốn sổ đang ghi đơn nhờ đi chợ của các hộ dân sang một góc bàn, lấy xe máy chạy phía trước để dẫn đường.
Tối cùng ngày, ông Tuấn cùng 6 thành viên trong tổ Covid lập hàng rào cứng, phong tỏa 16 hộ dân phía trong con hẻm nhỏ. Để hạn chế tiếp xúc, mọi việc từ tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ về thuốc men, lương thực, thực phẩm đến lịch xét nghiệm của những hộ này đều được ông Tuấn thông báo qua mạng xã hội. "Chúng tôi hỗ trợ mua thuốc đau bụng, huyết áp. Còn người có biểu hiện ho, sốt phải báo cho y tế phường", ông nói.
Mỗi khi có phần quà hỗ trợ phân phát về, ông Tuấn lại dành phần nhiều hơn cho các hộ đang bị phong toả cứng. Như hộ ở ngoài nhận 10 kg gạo thì hộ đang bị phong tỏa sẽ được nhận 15 kg, vì "thời gian họ phải cách ly lâu hơn, thêm tận 14 ngày nữa".
Ông chia sẻ công việc của tổ dân phố những ngày này rất vất vả, nhiều việc không tên, nhưng đã nhận thì phải có trách nhiệm. Mức phụ cấp 700.000 đồng mỗi tháng cho tổ trưởng, chỉ có những người thực sự tâm huyết, lấy công việc làm vui mới nhận nên "mong bà con bị chúng tôi nhắc nhở thì đừng vì vậy mà nặng nhẹ".
Để đảm bảo an toàn, các thành viên tổ dân phố tham gia phòng chống dịch đều được tiêm vaccine mũi một và xét nghiệm 3 ngày một lần.
Đà Nẵng cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" từ ngày 31/7. Sau hai tuần, lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định phong toả cứng 7 ngày, từ 8h ngày 16/8. Đến trưa 21/8, Chủ tịch thành phố ký quyết định kéo dài thời gian yêu cầu người dân "cách ly nhà với nhà" từ 7 lên 10 ngày, dự kiến đến 8h ngày 26/8, chỉ lực lượng chống dịch và vận chuyển được ra đường (có thẻ do công an thành phố cấp).
Từ ngày 3/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.094 ca mắc Covid-19.