Ông Hoàng Phong Nhã, thành viên tổ Covid cộng đồng thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) xua tay ra hiệu cho anh thanh niên quay về nhà, không được ra ngoài."Chúng mày cứ ở yên trong nhà đấy, bao giờ hết Covid thì đi uống bia gấp ba, gấp bốn lần, chả ai cấm",
"Các bố có giỏi thì khẩn trương đuổi Covid đi cho chúng con nhờ", anh chàng cố nói cứng, nhưng rồi cũng chịu quay xe, mất hút sau con ngõ cuối làng Ghẽ. Ông Nhã khi ấy mới quay về chốt cách ly đầu làng tiếp tục ca trực.
Cẩm Giàng đã trải qua gần một tháng phong tỏa, từ ngày 5/2 và nối tiếp cách ly xã hội cùng toàn tỉnh Hải Dương từ 16/2. Trong đó, xã Tân Trường, quê ông Nhã là nơi đầu tiên bị phong tỏa của huyện, ngày 3/2, khi có hai ca dương tính là nhân viên quán karaoke. Hàng nghìn công nhân thuê trọ trong các thôn Quý Dương, Tràng Kỹ, Phú Xá. Riêng thôn Tràng Kỹ có hơn 1.000 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu được xếp vào khu vực "nguy cơ cao".
Thực hiện chủ trương của tỉnh, Tràng Kỹ lập hơn 10 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19, gọi tắt là Tổ Covid cộng đồng. Mỗi tổ hai người, phụ trách 50-70 hộ trong xóm. Các tổ giám sát, phát hiện, báo cáo ngay những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại từng hộ gia đình. Họ không nhất thiết phải vào tận trong nhà, nhưng mỗi ngày ít nhất hai lần phải "hỏi thăm" từng hộ có biểu hiện ho, sốt, có triệu chứng bệnh, có người tiếp xúc với ca nhiễm hay không.
Thành viên của tổ cũng tham gia các chốt phòng dịch, nhắc nhở người dân thực hiện yêu cầu "làng cách ly với làng, xã cách ly với xã". Không bước chân ra khỏi làng, ông Nhã cũng thấy mình bó chân bó tay, nói gì cánh trai tráng quen nếp chiều tối nào cũng uống bia, đi thể thao, giải trí... sau giờ làm. Nhưng cả tỉnh đang cách ly xã hội, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết, nên ông Nhã "thà bị mọi người ghét, chứ việc nhắc nhở thì vẫn phải làm".
Mùng 4 Tết năm nay, ông Hoàng Phong Nhã tròn 70 tuổi, theo lịch sẽ khăn đóng áo dài ra ủy ban xã Tân Trường nhận lễ mừng thọ. Ba gia đình con gái lẫn bốn cháu ngoại sẽ tụ tập chúc thọ ông rồi làm mấy mâm cơm liên hoan. Nhưng đó chỉ là những dự định trước ngày Hải Dương bùng phát lây nhiễm cộng đồng, tối 27/1 và trở thành ổ dịch lớn nhất nước cho đến thời điểm này.
"Tổ tôi phụ trách 42 hộ, 141 nhân khẩu. Trong này có một hộ cho thuê 5 phòng trọ với 12 cháu công nhân ở lại từ trong tết đến giờ chưa đi làm được. Khu dân cư còn có hai cụ già trên 90 tuổi, thi thoảng có bệnh, nhưng không có triệu chứng gì liên quan đến dịch", ông Nhã thông báo sơ bộ tình hình cụm dân cư nơi được giao phụ trách, rõ như lòng bàn tay.
Trong làn sóng Covid thứ hai hồi tháng 8/2020, Hải Dương đã thành lập tổ Covid cộng đồng ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Bí thư Phạm Xuân Thăng, trong cuộc họp của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 22/2, đã coi đây là cánh tay nối dài của chính quyền tới từng ngõ ngách dân cư. Ông yêu cầu các huyện phải thành lập thêm các tổ và chọn tổ viên là đảng viên gương mẫu để đôn đốc hàng ngày. "Hải Dương coi tổ Covid cộng đồng là vũ khí mới trong phòng chống dịch", ông Thăng nói.
Thành viên tổ Covid cộng đồng như ông Nhã, trở thành những "camera di động" quan sát, ghi nhận mọi di biến của xóm làng. Những khế ước nông thôn mà thị thành cho là không phù hợp, thậm chí nói là "tọc mạch", lại phát huy tác dụng trong cuộc chiến chống dịch này. Thông qua giám sát ho, sốt cộng đồng, Hải Dương đã phát hiện sớm ít nhất 10 ca dương tính. Cẩm Giàng - ổ dịch lớn thứ hai của Hải Dương chỉ sau TP Chí Linh, ghi nhận 99 ca mắc. Hơn 930 tổ Covid cộng đồng ở Cẩm Giàng được thành lập với hơn 2.000 thành viên đang hoạt động. Thành phần chủ yếu là cựu chiến binh, chi hội phụ nữ, cán bộ tổ dân phố.
Ngày ít nhất hai lần, 7h30 và 16h, ông Nhã bịt khẩu trang, cầm theo cuốn sổ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Ở quê, láng giềng đến nhà nhau, ít nhất cũng vào nhà uống chén trà, nói dăm câu chuyện phiếm. Nhưng mùa dịch, ông đứng ở ngoài cổng hỏi vọng vào. Chủ nhà đứng trong sân đáp lại. Hai bên đeo khẩu trang cách nhau ít nhất hai mét. "Nhà có ai sốt không? Có triệu chứng gì là phải gọi điện báo ngay cho bác nhá", là những câu hỏi nhiều nhất suốt mười ngày qua.
Cuối ngày, các tổ báo cáo trực tiếp cho trưởng thôn qua điện thoại. Thôn tổng hợp báo lên xã, huyện, cấp cao hơn. Hội cựu chiến binh làng Ghẽ có 120 người, thì chục người còn khỏe mạnh, đều tham gia tổ giám sát hoặc trực chốt ở ngã tư, xóm mới, làng trong.
Cách đó 15 km, ông Trần Xuân Ngũ, thành viên tổ Covid cộng đồng phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) trở về nhà lúc hơn 21h, sau khi đi "hỏi thăm" một lượt gia đình tại khu dân cư số 3. Nơi có hơn 300 hộ dân với 1.000 nhân khẩu, có công chức viên chức, người buôn bán, làm trong các khu công nghiệp sống xen lẫn nhau.
Đến chiều 24/2, khu dân cư ông phụ trách đã "sạch" bóng F2. Sáu gia đình hoàn thành cách ly tại nhà, cũng là lúc kết thúc chuỗi ngày ông Ngũ ngày đôi ba lần đến nhà "thăm hỏi". Khi các F1 được ngành y tế đưa đi cách ly tập trung, tổ cộng đồng dán ngay thông báo ở cổng "Hộ gia đình có người cách ly y tế phòng Covid". Mỗi ngày, ba thành viên trong tổ sẽ qua kiểm tra bất chợt, không cố định thời gian. Sự giám sát trên buộc các F2 phải tự cách ly nghiêm túc. Nếu gia đình cần nhu yếu phẩm, ông Ngũ liền thông báo cho khu dân cư tiếp tế.
"Dù hết cách ly, nhưng thăm hỏi ngày đôi lần để xem có người ho, sốt hay không thì vẫn phải làm", ông lão 66 tuổi nói, từ chối kể về những lần gặp ánh mắt khó chịu của người dân khi bị "hỏi thăm" nhiều. Ông nói tham gia việc làng nước thì không ngại va chạm với người dân. "Từ từ giải thích, rồi họ cũng hiểu. Để chống dịch thành công, mỗi người cần chịu thiệt thòi một ít".
"Ông Nhã ơi, mai mua hộ cháu mấy cuốn vở chỗ tạp hóa đầu làng". "Bác Nhã ơi, bóng điện nhà cháu bị cháy rồi, mà mai chưa đến lượt đi chợ". "Ừ ừ, tao biết rồi, mai mua rồi để ở đầu chốt cách ly nhá", ông Nhã hồi đáp những cuộc gọi đến vào đêm khuya, trước khi hết ngày làm việc. Ông nói không phiền lòng, ở quê, xóm làng sống dựa vào nhau cả.
Gần 22h, ông rà lại một lượt ghi chép trong ngày, rồi mới yên dạ ra về, để chốt cách ly cho đám trẻ trực đêm. Bà Hằng, vợ ông cố đợi chồng về, nhắc ông thay quần áo để bà ngâm nước nóng giặt qua, rồi mới chịu đi ngủ. "Ông chỉ được cái đi vác tù và hàng tổng", bà gắt. Những ngày này, con gái, con rể bà làm trên huyện đều đi chống dịch. Ông chồng không ở ngoài chốt thì xuống khu dân cư. Một mình bà ở nhà, quanh quẩn cơm nước, chăm bẵm đàn gà, đôi lợn sắp xuất chuồng. Nhưng thấy ông cắp sổ ra cổng, là bà chạy theo đưa túi bánh, mớ chè xanh cho ông mang ra chốt cho anh em uống. Hơn bốn mươi năm vợ chồng, bà lão 65 tuổi cũng đã quen với việc chồng mình là người của phong trào, toàn đi làm việc xã hội.
Mặc vợ càu nhàu, ông Nhã ngồi bấm đốt ngón tay, nhận ra sắp rằm tháng Giêng. Còn một tháng nữa đến hội làng Tràng Kỹ, 12/2 Âm lịch, thờ tướng quân dưới thời Hai Bà Trưng. Khi đó, làng ông cũng sẽ đón nhận bằng văn hóa cấp tỉnh. "Chẳng biết dịch có tan để dân làng tôi còn kịp mở hội", ông tự hỏi.
Hoàng Phương