Một quốc gia đang đổi mới và có tiềm năng to lớn về du lịch như nước ta thì việc quảng bá hình ảnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều cách quảng bá vừa đạt hiệu quả cao, vừa phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Tôi không phủ nhận việc đăng cai tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2008 là một cách quảng bá hình ảnh đất nước rất hay. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức mà tôi thấy mức độ rủi ro tương đối lớn.
Thứ nhất, thời gian cho công tác chuẩn bị tương đối ngắn và gấp. Nếu đứng ra đăng cai thì chúng ta có tròn một năm. Nhưng nên hiểu là từ khi được Ban tổ chức chọn, rồi hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết, rồi lên phương án thiết kế sân khấu... cho đến khi đặt những viên gạch đầu tiên thì cũng cần có thời gian: 2 tuần, 3 tuần, thậm chí lâu hơn nữa. Đã là chương trình cấp quốc tế thì phải đảm bảo chất lượng cấp quốc tế. Vậy thì một năm chuẩn bị liệu có mạo hiểm lắm không?
Hai là, sân khấu 7.500 người sau khi sử dụng cho cuộc thi này sẽ được quản lý và khai thác như thế nào? Cuộc thi chỉ diễn ra trong khoảng một tháng trở lại, sau đó sân khấu sẽ được khai thác thường xuyên hay là chỉ để đó rồi mỗi năm tổ chức 1-2 hoạt động giải trí. Với thời gian chuẩn bị gấp như vậy liệu chất lượng công trình có đảm bảo? Tôi nghĩ chúng ta nên tính đến lợi ích lâu dài.
Thứ ba, liệu chúng ta có đảm bảo được các cơ sở hạ tầng liên quan khác như đường xá, dịch vụ... Mục đích của chúng ta là quảng bá, nhưng nếu chúng ta làm không tốt, chuẩn bị chưa chu đáo thì sẽ có tác dụng ngược lại.
Vậy thì với số tiền 15 triệu USD, chúng ta sẽ làm gì để quảng bá hình ảnh? Tôi nghĩ cách quảng cáo hiệu quả lâu dài và phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay là qua các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN của Mỹ hoặc BBC của Anh hoặc một chương trình nào khác có số lượng người xem đông. Bởi thời lượng phát sóng được nhiều hơn và trải đều trong năm. Còn hiệu quả của quảng cáo như thế nào thì chắc mọi người đều rõ, tôi xin không bàn luận chi tiết.