Sau khi chính quyền địa phương ngăn chặn việc kinh doanh bất hợp pháp từ hoạt động trích hút mật gấu của các trang trại ở Hạ Long (Quảng Ninh), số lượng gấu ngày càng giảm sút do chủ có xu hướng bỏ mặc gấu đói và ốm chết.
Trước tình trạng này, giới chức và một số tổ chức bảo tồn đã đề nghị được cứu hộ, chăm sóc chúng. Tuy nhiên, các chủ trại vẫn không từ bỏ ý định tận thu giá trị cuối cùng từ các cá thể gấu. Họ đòi được hỗ trợ số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng mỗi cá thể.
Theo phản ánh của các tổ chức bảo tồn động vật, chủ trại thà để gấu chết chứ nhất định không chuyển giao cho trung tâm cứu hộ nếu không nhận được một khoản đền bù cho số tiền họ bỏ ra để mua gấu trước đấy, ngay cả khi họ đã bòn rút cạn kiệt các túi mật của gấu để thu lời bất chính.

Một cá thể gấu bị suy dinh dưỡng nặng, cụt chi trái. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.
"Đây là minh chứng điển hình cho việc các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong nhiều năm luôn đứng trên pháp luật", đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) lo lắng nói. Hành vi này theo ENV là thể hiện "sự tham lam vô độ của những người bấy lâu nay đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã".
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc ENV cho rằng, việc thiết lập cơ chế "tiền trao gấu trả" ở Hạ Long không những thể hiện sự nhượng bộ của nhà nước trước các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ động vật hoang dã, mà còn tạo nên tiền lệ xấu trong quá trình quản lý hoạt động nuôi nhốt gấu nói riêng và bảo vệ các loài động vật nguy cấp của Việt Nam nói chung.
"Chúng tôi mong đợi cơ quan chức năng thể hiện thái độ không khoan nhượng, không thỏa hiệp với vi phạm và ngay lập tức tịch thu, chuyển giao những cá thể gấu còn lại tại Hạ Long về các trung tâm cứu hộ phù hợp", bà Dung nói.
Tổ chức Động vật châu Á cho biết, theo quy định của nhà nước thì các tổ chức cứu hộ không được quyền trả tiền, vì điều này vô tình tạo ra thị trường mua bán với động vật hoang dã.
Năm 2005, Nhà nước đã hoàn thành chương trình gắn chíp và đăng ký quản lý đối với toàn bộ cá thể gấu đang được nuôi nhốt tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên để nuôi nhốt và trích hút mật. Kể từ đây, các chủ trang trại chỉ được tiếp tục nuôi nhốt đối với các cá thể gấu đã gắn chíp hoặc đăng ký quản lý với cơ quan có trách nhiệm tại địa phương.
Tuy nhiên, quyết định năm 2005 của Bộ Nông nghiệp về việc ban hành quy định quản lý gấu nuôi nhốt chỉ rõ: “Việc lập hồ quản lý và gắn chíp gấu nuôi không có nghĩa là Nhà nước công nhận sự hợp pháp của chủ nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp, mà chỉ nhằm quản lý số lượng đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu tự nhiên”.
Vì vậy gấu nuôi tại các trại gấu ở Hạ Long đều thuộc quyền sử hữu và quản lý của Nhà nước, chủ nuôi gấu chỉ có trách nhiệm nuôi gấu theo đúng các quy định. Gấu không thuộc quyền sử hữu của người nuôi và Nhà nước có quyền thu hồi nếu chủ gấu không có đủ điều kiện chăm sóc theo quy định.
Việt Nam hiện còn khoảng 2.000 cá thể gấu có nguồn gốc từ tự nhiên đang được nuôi nhốt tại các trang trại trên toàn quốc. Theo các chuyên gia bảo tồn, do chỉ bị xử phạt hành chính nên các chủ trại tiếp tục hoạt động khai thác gấu vì mục đích thương mại.
Hương Thu