“Tôi nghĩ là giờ đây, hầu như cái gì cũng có thể tìm được trên mạng ở Trung Quốc”, Grace Tng, một cô gái 29 tuổi mới chuyển từ Singapore sang Thượng Hải cách đây 18 tháng trả lời CNBC.
Grace Tng cho biết, kể từ khi định cư tại Trung Quốc, cô mua hàng trên mạng nhiều hơn khi còn ở Singapore “rất nhiều”. Hầu hết mọi thứ hàng hóa tiêu dùng đều được cô đặt mua qua mạng, từ những đồ lặt vặt hàng ngày đến đồ trang điểm vì thuận tiện hơn nhiều so với việc đến một cửa hàng nào đó.
Tuy nhiên, Grace Tng không phải là trường hợp hiếm hoi tại Trung Quốc mà chỉ một trong số hàng triệu người tại quốc gia châu Á này đang có xu hướng chuyển dần từ hoạt động mua bán trực tiếp sang mua bán trực tuyến. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, ước tính có giá trị khoảng 64 tỷ USD tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Bên cạnh sự tiện lợi mà giao dịch điện tử thì số lượng thuê bao internet và thuê bao di động tăng nhanh trong những năm gần đây cũng là yếu tố quan trọng để thI trường này phát triển mạnh mẽ.
Một ví dụ điển hình cho sự bùng nổ này là Tmall, một công ty thương mại điện tử theo tiêu chí “từ doanh nghiệp tới khách hàng” (B2C) - tức là không qua các khâu trung gian như đại lý, cửa hàng bán lẻ,... Tmall được công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International có trụ sở tại Anh nhận định rằng sẽ vượt mặt “gã khổng lồ” về bán lẻ trực tuyến là Amazon của Mỹ về doanh số và trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới vào năm 2016. Tại thời điểm đó, doanh thu của Tmall có thể đạt khoảng 100 tỷ USD trong khi doanh thu của Amazon chỉ là 94 tỷ USD.
Vào năm 2016, doanh thu của Tmall có thể đạt khoảng 100 tỷ USD trong khi doanh thu của Amazon chỉ là 94 tỷ USD. |
Rõ ràng, mối đe dọa đến từ Trung Quốc của Amazon không phải không có cơ sở khi Tmall được nhận định là đã vượt qua đối thủ eBay về mảng đấu giá trực tuyến với doanh thu 2012 ước tính là 32,5 tỷ USD, cao hơn gần 5 tỷ USD so với đối thủ đến từ Mỹ.
Dù chỉ mới 5 “tuổi’ nhưng Tmall, công ty thương mại điện tử được điều hành bởi Alibaba - tập đoàn công nghệ lớn thứ 2 của nước này và được coi là eBay phiên bản Trung Quốc, đã giành quyền kiểm soát khoảng 50% thị trường trực tuyến tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của Tmall và nhiều trang thương mại điện tử khác của Trung Quốc là vẫn còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Trong khi đó, hơn 50% doanh thu của eBay đến từ bên ngoài nước Mỹ.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về bán lẻ Lamine Lahouasnia của Euromonitor tại London nhận định: “Nếu Tmall bắt đầu nghĩ về chiến lược thúc đẩy thương hiệu ở nước ngoài thì thời điểm công ty này có thể vượt đàn anh Amazon sẽ tới sớm hơn rất nhiều”.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12% tổng doanh thu bán hàng trực tuyến toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ chiếm tới hơn 1/3 của “chiếc bánh” này.
Theo Dân Việt