Thứ năm, 7/10/2021, 06:00 (GMT+7)

Gọi "cô gái diệu kỳ" vì Karishma đã làm nên những điều phi thường mà không ai tin một người mắc hội chứng down có thể làm được. Cô trở thành một họa sĩ tài ba, tổ chức nhiều triển lãm nhằm ủng hộ trẻ em ở Việt Nam và thế giới. Cô mở lớp dạy yoga và múa cho trẻ em khiếm khuyết dù bản thân cũng có những thử thách của mình. Gọi như thế còn là bởi tên của cô trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là "phép màu".

Karishma Kannan sinh năm 1991 tại Chennai, Ấn Độ. Mới 4 tháng tuổi, cha mẹ đã phát hiện cô con gái đầu lòng mắc căn bệnh đặc biệt, gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Nhưng cũng nhờ phát hiện sớm, Karishma đã được đưa đến những trường học đặc biệt để can thiệp.

Năm tháng đầu đời của nữ họa sĩ là triền miên những bài tập trị liệu. Phải đến năm hai tuổi, Karishma mới chập chững đi những bước đầu tiên và bập bẹ được vài từ. Và cũng phải hơn ba tuổi, cô mới có thể tự nhai và nuốt thức ăn mềm.

Thời điểm đó, sức đề kháng của cô rất yếu. Chỉ một sự thay đổi nhỏ của thời tiết cũng đủ khiến gia đình lo sốt vó. Bà Kalpana Kannan, mẹ của Karishma cho biết: "Con bé không thể tự đứng mà cần người đỡ. Hông và đầu gối không chịu được sức nặng. Mỗi ngày chúng tôi đều phải xoa bóp cho con".

Cũng theo bà Kalpana, can thiệp sớm là mấu chốt giúp Karishma dần ổn định hơn. "Tôi và chồng sau học cách chăm sóc thiên thần nhỏ của mình. Chúng tôi không bỏ cuộc và luôn nỗ lực để cho con những gì tốt nhất. Mỗi trải nghiệm bên gia đình đều đáng quý", mẹ Karishma chia sẻ.

Những năm tiếp theo, nữ họa sĩ vẫn phải dùng thuốc và tham gia nhiều lớp học đặc biệt để cải thiện bệnh tình. Cô cũng bộc lộ niềm đam mê dành cho nghệ thuật múa khi cả gia đình chuyển đến vùng Chennai sinh sống. Phát hiện điều này, cả cha mẹ Karishma đều rất vui và hết mình tạo môi trường sống tích cực cho con. Ngoài ra, những buổi dã ngoại cùng gia đình cũng khiến cô dần cởi mở và giao tiếp tốt hơn.

Bước ngoặt chỉ thật sự xảy ra khi cả gia đình chuyển đến làm việc ở TP HCM vào năm 2008. Nữ họa sĩ đã có những ngày tháng khó quên ở nơi mà cô gọi là "quê hương thứ hai". Không thể đi học vì hạn chế ngôn ngữ, cha mẹ đã tìm mọi cách giúp cô thích nghi với cuộc sống tại Việt Nam. Họ cho Karishma đi học rất nhiều từ yoga, thêu, dệt vải đến làm gốm, chăm vườn.

Cô còn học vẽ với Cyndi Beaumont. Cũng chính Cyndi là người đã khai phá tiềm năng và tạo nên Karishma đặc biệt như ngày hôm nay. Ngoài giờ học, Cyndi hướng dẫn Karishma làm quen với màu sắc, cọ vẽ và cách để hoàn thiện một bức tranh.

Karishma như tìm được niềm yêu thích riêng. Ngày qua ngày, cô chăm chỉ học vẽ cùng cô giáo. Với một người mắc căn bệnh này, tập trung vẽ một bức tranh là một điều không tưởng. Còn với Karishma, cô đơn giản là mang đến những điều diệu kỳ cho cuộc sống. Cô trở thành một họa sĩ khi chưa tròn 20.

Với hội họa, Karishma nói nhiều hơn, mở lòng và hòa nhập tốt hơn. Nữ họa sĩ luôn giữ nụ cười trên môi và thân thiện với tất cả khiến nhiều người dường như quên mất cô là "người đặc biệt". Thế giới của cô đã mở rộng hơn nhờ hội họa. Karishma nói: "Như mọi người tôi cũng có thử thách của mình. Tôi chậm chạp và cũng không thể đọc viết được như mọi người. Tôi chỉ có thể gửi tình yêu của mình qua nghệ thuật và những bức tranh".

Tranh của Karishma thường là phong cảnh. Đôi khi là đồi cát trong chiều vàng, những vườn hoa rực rỡ màu sắc, đôi khi là hình ảnh thành phố phản chiếu lấp lánh dưới mặt hồ tĩnh lặng. Những tác phẩm của cô mang tinh thần phóng khoáng, ngập tràn tình yêu và niềm tin về những điều tốt đẹp qua nét vẽ đầy màu sắc.

Năm 2015, cả gia đình Karishma rời TP HCM trở về sống tại Ấn Độ. Cô rời Việt Nam trở về quê nhà mở một phòng tập yoga, múa và thiền mang tên Studio 21UP để hướng dẫn cho những trẻ em có hoàn cảnh giống mình. Nhớ về quãng thời gian 8 năm ở Việt Nam, Karishma cho biết mình không thể quên nơi này. Việt Nam như quê hương thứ hai, đã cho cô cơ hội để khám phá bản thân và đặt những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Cũng vì thế, rất nhiều tác phẩm của cô vẽ lại những hình ảnh quen thuộc của TP HCM và cảnh sắc thơ mộng của Việt Nam.

Năm 2011, Karishma lần đầu tổ chức triển lãm tranh tại TP HCM. Năm đó, cô mới tròn 20. Trước những vị khách yêu nghệ thuật, đến thưởng tranh, Karishma rụt rè trong tà áo dài đỏ thướt tha. Không nói được nhiều nhưng ánh mắt của cô đầy hạnh phúc khi cả 45 tác phẩm được bán hết chỉ sau một buổi. 230 triệu đồng thu được Karishma đã quyên góp để ủng hộ trẻ em khó khăn, mồ côi tại Việt Nam.

Tổng lãnh sự Ấn Độ Abhay Thakur thời điểm đó cho biết: "Tôi bị ấn tượng bởi sự dũng cảm và quyết tâm to lớn ẩn sau vẻ ngoài nhỏ bé của Karishma. Tôi phải nói rằng cô ấy là nhà ngoại giao, một đại diện tuyệt vời cho người Ấn Độ tại Việt Nam".

Sau lần đó, Karishma lại tiếp tục mở thêm hai buổi triển lãm vào các năm 2013 và 2015. Vẫn như lần trước, cô gái Ấn Độ vẫn chọn những tà áo dài như thể hiện tình cảm đặc biệt dành cho đất nước Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 100 bức tranh được bán sau ba lần triển lãm và một cuộc đấu giá. Những tác phẩm của cô họa sĩ Ấn Độ đã giúp thắp lên niềm tin sống cho rất nhiều trẻ em bệnh tim, mồ côi, khuyết tật tại Việt Nam. Cô chia sẻ: "Khi ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy như đang ở nhà. Tôi được mọi người giúp đỡ và yêu thương. Vì thế, tôi hạnh phúc khi có thể giúp đỡ những trẻ em đặc biệt giống mình".

Dù hiện tại đã trở về quê nhà, Việt Nam vẫn luôn là miền ký ức đặc biệt của Karishma. Nữ họa sĩ rất mong đợi ngày trở lại đất nước hình chữ S. Trong cô luôn cháy bỏng khát khao tiếp tục sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. "Tôi sẽ rất mãn nguyện nếu tương lai có thể tiếp tục mở triển lãm tại Việt Nam", Karishma khẳng định.

Hành trình vượt qua thử thách và tạo nên những giá trị cho cộng đồng của Karishma giúp cô giành hai giải thưởng quốc tế dành cho người mắc hội chứng down vào các năm 2014 và 2018. Nữ họa sĩ cũng vinh dự được mời phát biểu tại trụ sở Liên hiệp quốc nhân ngày hội chứng down thế giới 2019.

Karishma tiếp tục mối liên kết đặc biệt với Việt Nam khi trở thành giám khảo của cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học "Vì một Việt Nam tất thắng". Tại đây, Karishma sẽ có cuộc tái ngộ với ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, cũng là giám khảo cuộc thi. Ông Ngọc Trai là người đã đồng hành và tài trợ cho Karishma trong những lần cô tổ chức triển lãm.

Karishma giờ không còn là cô gái bẽn lẽn bên những bức tranh sơn dầu. Cô sẽ là tấm gương, là người truyền động lực cho các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo yêu thích vẽ tranh trên cả nước. Karishma đã mạnh mẽ chiến đấu với thử thách của mình và vẽ lên những điều diệu kỳ như chính cái tên của cô.

"I can, you can, we all can" hay tạm dịch "tôi có thể, bạn có thể, chúng ta có thể" là thông điệp đã gắn liền với Karishma trong suốt hơn 10 năm qua. Đồng hành cùng "Vì một Việt Nam tất thắng", họa sĩ Ấn Độ hy vọng có thể cùng các em nhỏ vượt qua hết những khó khăn, bất hạnh để hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Những bức tranh mà các em nhỏ gửi về cuộc thi khiến nữ giám khảo xúc động khi nhớ về những ngày đầu làm quen với hội họa. "Tôi yêu thiên nhiên. Tôi đã vẽ bức tranh đầu tiên của mình dưới gốc cây. Thật tuyệt vời khi gia đình đã ủng hộ tôi hết mình. Thông qua những bức tranh, tôi thể hiện được cảm xúc của bản thân. Tôi thấy mình hạnh phúc", Karishma kể lại.

Karishma mong các bệnh nhi cũng sẽ tìm được sự hạnh phúc thông qua những nét vẽ đầy sắc màu. Với cô, tất cả các tác phẩm đều đẹp và ý nghĩa. "Tôi cảm nhận được tình yêu và niềm tin qua bức tranh của các em. Thật khó để tôi chấm điểm vì tất cả đều tuyệt vời", nữ họa sĩ chia sẻ.

Thông qua cuộc thi, nữ giám khảo cũng muốn gửi đi thông điệp về tình yêu thương trong gia đình. Với những người gặp thử thách như Karishma, sự quan tâm, che chở và ủng hộ của gia đình là điều quý giá nhất. Gia đình là thứ đã tiếp thêm cho cô niềm tin và sức mạnh để tạo nên một Karishma đặc biệt của hôm nay.

Với "Vì một Việt Nam tất thắng", Karishma tin tưởng vào một tương lai hạnh phúc cho tất cả mọi người. Karishma với nụ cười trên môi luôn khẳng định "hãy tin vào bản thân, tôi làm được và chúng ta cũng sẽ làm được".

Nội dung: Hoài Phương - Thiết kế: Hằng Trịnh