Nguyễn Thị Vũ Hoài
Tình dục và mối quan hệ với giới nữ
Thuật ngữ này ám chỉ các sự kiện diễn ra trong vũ trụ một cách tự nhiên, không thể ngăn chặn. Hoạt động tình dục của con người cũng như vậy, tuân theo lẽ tự nhiên. Thuở ban sơ, người Trung Quốc đề cao phụ nữ, kể cả trong hoạt động tính giao. Theo nhà nhân chủng học Xô Viết L.Vasiliev, ở Trung Quốc, ngay đầu thời Hạ Vũ người ta đã thờ linga [ 1]. Màu sắc luyến ái cũng đã được bộc lộ qua những lễ hội xuân. Đây cũng là nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa nông nghiệp cổ trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của lịch sử Trung Quốc, người phụ nữ chiếm một vị trí rất đặc biệt. Họ có quyền tự do định đoạt số phận của mình. Một số phụ nữ còn được đứng vào vị trí như các thầy pháp để chuyên việc thờ cúng, cầu mùa. Nhưng sau đó, nền văn hóa phụ quyền được xác lập cùng với chế độ đa thê. Đạo Khổng và Phật giáo tràn vào càng làm biến đổi những phong tục về tình dục và giới tính. Họ đề cao nam giới, coi trọng trinh tiết, lòng chung thủy của người phụ nữ. Đạo Khổng rất kỵ những hình thức phô bày tình dục và người phụ nữ phải lệ thuộc vào người đàn ông trên nhiều mặt. Tình cảm bị lý trí lấn át. Đạo Khổng đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức của người dân Trung Quốc. Nhưng ở thời hiện đại, khi mà mọi giá trị đã bắt đầu thay đổi, mọi áp chế bị đẩy lùi, người phụ nữ đứng lên giành lại quyền lợi cho mình. Tình dục cũng không còn là vấn đề phải né tránh. Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Tào Đình, tất cả đều đã nói về mối quan hệ giữa tình dục và giới nữ.
![]() |
Biếm họa về nhà văn Mạc Ngôn. Ảnh: Xinhuanet. |
Có thể nói, tiểu thuyết nào của Mạc Ngôn cũng có bước chân xăm xăm của những bóng hồng rẽ lối lần tìm vườn yêu cho riêng mình. Họ chủ động hơn, mạnh mẽ hơn, bạo dạn hơn. Trong "Đàn hương hình", khi cuộc đọ râu giữa cha đẻ (Tôn Bính) và cha nuôi trên danh nghĩa (Tiền Đinh) diễn ra, Mi Nương là người mạnh dạn bước lên để phân xét ai thắng, ai thua. Mục đích chính của nàng là để tiếp cận quan lớn Tiền Đinh. "Nàng cảm thấy môi nóng ran, sự thèm muốn như con trùng nhỏ, cứ nhè trái tim mà cắn! Nàng muốn cúi xuống hôn khắp người ông..." [1, tr. 199]. Những xúc cảm ấy còn mãnh liệt hơn khi biết tin quan lớn bị ốm nặng. Mi Nương đã liều mình vượt qua bao rào cản để vào phủ gặp Tiền Đinh.
Ta cũng nhìn thấy sự chủ động ấy ở hầu hết các nhân vật nữ trong "Báu vật của đời". Lỗ Thị chủ động đi tìm những người đàn ông có thể cho cô một đứa con trai. Khi Kim Đồng xấu hổ vì nhận thấy mình là một đứa con lai, Lỗ Thị đã đánh đứa con mà bà rất mực thương yêu này. Bởi trong suy nghĩ của bà, người phụ nữ chủ động tìm kiếm hạnh phúc cho mình không có gì là đáng chê trách, không lý do gì phải xấu hổ. Lai Đệ bất chấp sự ngăn cấm của mẹ để lấy Sa Nguyệt Lượng. Sau này, khi đã là vợ của thằng Câm, cô vẫn đi theo Hàn Chim mà không sợ bất cứ điều gì. Chiêu Đệ tự nguyện lấy Tư Mã Khố mặc dù cũng bị mẹ ngăn cấm...
Ngay trong "Sống đọa thác đày", tác phẩm thường chú tâm tỏ rõ khí phách nam giới, cũng có những Xuân Miêu chống trả lại mọi sự o ép, nhảy qua cửa sổ tìm người tình, có những Hỗ Trợ, Hợp Tác, những Phượng Hoàng chủ động, mạnh mẽ trong tình yêu.
Như thế, nhiều người phụ nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn đã tỏ rõ tinh thần độc lập, dứt khoát tự giải thoát khỏi những ràng buộc của chế độ phụ hệ, cả trong động tác làm tình. Cô nữ xế trong "Tửu quốc" thường là người bắt đầu khơi gợi chuyện chăn gối, nhất là với anh chàng trinh sát Đinh Câu. Cô quyết liệt, vồn vã. "Cô lột áo tắm của anh vứt vào một xó, cởi phăng quần xịt, áo lót, ném lên chùm đèn lơ lửng trên trần [...] Không đợi anh trinh sát hoàn hồn, nữ xế chồm tới ngồi lên bụng anh, hai tay nắm tai anh" [2, tr. 286-287]. Trong "Báu vật của đời", độc giả cũng không thể quên cảnh Kim Một Vú "hướng dẫn" một Kim Đồng đã ngoài bốn mươi tuổi làm tình.
Giới nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn đã gián tiếp lên tiếng chống lại những thân phận tùng thuộc, chờ đợi. Họ vạch mặt những quyền lực đàn áp của định chế chính trị, của xã hội, của đồng lõa phái nam. Bà Lã - bà nội của những đứa trẻ nhà Thượng Quan, Lỗ Thị và các cô con gái, Kỷ Quỳnh Chi ("Báu vật của đời"), Lâm Lam ("Rừng xanh lá đỏ"), nữ xế ("Tửu quốc"), Mi Nương ("Đàn hương hình")... là những hiện thân tiêu biểu cho điều này. Họ không chỉ đòi bình quyền mà còn tự chứng minh, tự xác tín cái cá biệt "nữ", khác biệt về tình dục, về kinh nghiệm. Họ cũng biết làm chủ cơ thể, cảm xúc. Jung cho rằng xét từ tố chất tâm lý thì nữ giới thuộc "loại hình tình cảm". Một số nhà giải phẫu học cũng đã khẳng định nữ giới thường tư duy thiên về phía bán cầu não bên trái, tức là bộ phận nặng về tình cảm, tưởng tượng, hồi tưởng. Nhiều nhà tâm lý học cũng cho rằng nữ giới rất nhạy cảm, dễ xúc động. Thần kinh của nữ giới nói chung không ổn định như nam giới, dễ vui buồn nhanh chóng trước những thay đổi, diễn biến dù là nhỏ nhất của sự vật. Tục ngữ có câu: "Mắt con trai, tai con gái" cũng nhằm chỉ rõ đặc điểm của phụ nữ: thính, nhạy, tình cảm và thường nhận định qua con đường âm thanh, phân tích qua trò chuyện, trao đổi, và tình yêu cũng vậy. "Họ rất nhạy cảm với những xúc phạm dù là nhỏ nhặt nhất, ngay đối với sự lạnh nhạt, thiếu tôn trọng không đáng kể, họ cũng cảm thấy tức thì" (Kant). Thậm chí một cô nữ xế có vẻ hơi thô thiển trong "Tửu quốc" cũng nhiều lần cảm thấy bị tổn thương khi Đinh Câu nhìn cô với ánh mắt coi thường. Cô phản kháng lại những cái hôn của anh bằng cách cắn rách lưỡi anh. Khi Đinh Câu kiềm chế thì cô lại cảm thấy tủi thân vì nghĩ mình xấu. Ở Mi Nương cũng nổi bật cái nhìn đầy tính nữ. Từ cách nàng đánh giá Triệu Giáp cho đến việc nàng soi ngắm Tiền Đinh... tất cả đều mang màu sắc cảm tính rõ nét. Nàng nhìn mọi thứ đều đầy màu sắc, mùi vị. Nàng cảm nhận được cả mùi hương tỏa ra từ thân thể Tiền Đinh, mong ước được lưu giữ mùi hương ấy. Trong một thoáng nào đó, sự nhạy cảm và những xúc động rất thật của người phụ nữ đã lấp lánh trên trang viết Mạc Ngôn.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, nhiều người phụ nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn có đời sống tình dục sa đọa. Ý thức của họ bị bản năng lấn át, họ không làm chủ được hành vi của mình. "Báu vật của đời" có mười bốn lần tác giả miêu tả chuyện làm tình. Trong số đó không ít lần nhân vật rơi vào lầm lỡ. Vì chồng bất lực mà Lỗ Thị quan hệ với Vu Bàn Vả, thầy lang, anh chàng chăn vịt, cả hòa thượng và mục sư... Đó là sự buông thả của một người phụ nữ chịu nhiều xiềng xích, kiềm tỏa và uất hận. Nhưng đó cũng là khao khát có được "một người thứ ba (một đứa con trai) còn chưa được cấu sinh". Những người phụ nữ nhà Thượng Quan đều có lối sống cuồng nhiệt nhưng buông thả, có khi tình dục là một cách để "trả thù’’. Kim Một Vú lại là kẻ "lão luyện" trong chuyện chăn gối. Mặc dù người phụ nữ này luôn chủ động nhưng sự chủ động ấy không xuất phát từ tình cảm chân chính mà chỉ để thỏa mãn ham muốn xác thịt. Phó thị trưởng Lâm Lam trong "Rừng xanh lá đỏ" tuy bề ngoài đường hoàng nhưng cũng không thể kiềm chế được những khoảnh khắc trỗi dậy của bản năng. Đau lòng nhất là quan hệ loạn luân trong "Sống đọa thác đày". Chính lỗi lầm của những người đi trước đã "đổ lên đầu" tình yêu của thế hệ sau. Tác giả miêu tả những "cuộc tình" như thế chỉ để mỉa mai, phê phán lối sống lệch lạc của những người phụ nữ bị dục vọng bình thường chi phối. Ẩn đằng sau những trang viết đó còn là sự chua xót về những con người tha hóa, làm nô lệ cho dục tính tầm thường.
Mạc Ngôn là nhà văn đứng từ phía nam giới để nhìn nhận đời sống tình yêu – tình dục của một bộ phận nữ giới đương thời ở dân tộc ông. Đó là một thế giới hư cấu của tiểu thuyết nhưng ít ai phủ nhận rằng nó cũng có tính điển hình. Tình yêu ngự trị ở khắp nơi, ở tất cả mọi người. Tiểu thuyết Mạc Ngôn thật hiếm thấy những mối tình hoàn hảo. Tình yêu trong tác phẩm của ông là những mảnh chắp vá hạnh phúc và đau khổ của người này - người kia. David Myers nói rằng "đối với những người đang yêu say đắm, cả thế giới đều như đang mỉm cười", nhưng nhân vật trong trang viết Mạc Ngôn dù có yêu say đắm thì thế giới cũng thường quay lưng với họ. Đó là hiện thực nghiệt ngã, vùi dập những ước mơ, khao khát mãnh liệt trong tình yêu.
Tài liệu trích dẫn:
1. Mạc Ngôn (2004) (Trần Đình Hiến dịch), "Đàn hương hình", NXB Phụ Nữ, Hà Nội.
2. Mạc Ngôn (2004) (Trần Đình Hiến dịch), "Tửu quốc", NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
3. Mạc Ngôn (2007) (Trần Trung Hỷ dịch), "Sống đoạ thác đày", NXB Phụ Nữ, Hà Nội.
4. Mạc Ngôn (2007) (Trần Đình Hiến dịch), "Báu vật của đời", NXB Văn nghệ, Tp HCM.
5. Đỗ Lai Thúy (2003), "Phân tâm học và tình yêu", NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.