Nguyễn Thị Vũ Hoài
Mỗi chúng ta có một cách nghĩ khác nhau về tình yêu nhưng không ai có thể phủ nhận rằng tình yêu chứa đựng sức mạnh quyền uy đặc biệt. Nó là sự hòa hợp, cộng hưởng giữa hai tâm hồn. Cũng không ai phủ nhận mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục. Tình dục chân chính không đơn thuần là ham muốn thể xác mà vẫn ẩn chứa tình cảm bên trong, ẩn chứa khao khát được hòa hợp tuyệt đối. Ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi con người đều có những quan niệm riêng về đời sống tình yêu, tình dục. Người phương Tây coi trọng bình đẳng, tự do cá nhân. Người phương Đông phần lớn coi trọng tiết hạnh của phụ nữ. Vì thế, những tác phẩm mang tính chất "phá rào" ở phương Đông luôn gây được sự chú ý, xôn xao trong dư luận. Nhìn nhận một cách khách quan để thấy rằng, tình dục không chỉ là một đề tài được phản ánh trong tác phẩm mà còn là một "hệ quy chiếu" để giải mã, tạo nghĩa cho tác phẩm văn học. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, tình dục được nói đến nhiều và chằng chịt những mối quan hệ. Tình dục là nơi quyện hòa, giao thoa giữa "cái sinh vật" và "cái xã hội" với những tương tác phức tạp. Bởi vậy, nó là điểm nhìn gợi dẫn những suy tư về tồn tại người trong những chiều kích không dễ nắm bắt của nó.
Bìa cuốn "Sống đọa thác đày" của Mạc Ngôn. Ảnh: NXB Phụ nữ. |
Tình dục – sự khởi nguồn cho tình yêu và những xúc cảm nhân tính
"Tôi thà được một lần cảm nhận mùi thơm từ mái tóc em, một lần được hôn đôi môi em, một lần được nắm tay em còn hơn là sống bất tử mà không bao giờ có điều đó. Chỉ một lần thôi" - Lời trong phim Thành phố của những thiên thần (City of Angels).
Nhà văn đưa chúng ta đến với tình yêu muôn thuở, với những đam mê cháy bỏng, những day dứt băn khoăn, những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn khổ đau... Tình yêu có những điều diệu kỳ. Và khi con người chú ý đến tính kết hợp giữa tâm hồn và thể xác thì sẽ có cái nhìn nhân bản hơn về cuộc sống. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, hiếm có tình yêu thuần nhất, đơn độc chỉ là nó, là tâm hồn và tình cảm. Tình yêu luôn đi kèm với những ham muốn được gặp gỡ, gần gũi đối tượng. Có khi, tình dục là điểm khởi đầu cho tình yêu.
Thật khó tìm ra những thoáng e lệ, thẹn thùng của các nhân vật đang yêu ở tiểu thuyết Mạc Ngôn. Họ yêu và họ hành động một cách mạnh mẽ để bộc lộ tình cảm của mình. Trong "Sống đọa thác đày", mặc dù cả hai chị em Hỗ Trợ và Hợp Tác đều dành tình cảm cho Kim Long nhưng Kim Long chỉ đáp lại một người, đó là Hỗ Trợ. Cô duyên dáng, cô biết cách quan tâm anh chàng bằng việc may lại chiếc áo cho anh, ban một ánh nhìn tình tứ... Nhưng đó là những cử chỉ hiếm gặp trong tác phẩm Mạc Ngôn. Về sau, mối tình Hỗ Trợ - Kim Long lại đi vào vòng quay quen thuộc như nhiều nhân vật khác của nhà văn họ Quản. Họ đưa nhau lên ngọn cây hạnh tình tứ - để che mắt mọi người và cũng để cho trang viết của Mạc Ngôn trở nên độc đáo. Giữa không gian lãng mạn ("gió nhẹ thổi qua, cành hạnh rì rào, hoa hạnh rơi lả tả trắng lóa cả mặt đất" [3, tr. 419]) là niềm vui giấu tên của hai người yêu nhau được thỏa mãn và nỗi đau nghẹn ngào của một Giải Phóng thất tình. Giải Phóng cũng yêu Hỗ Trợ, nhưng tình yêu thực sự của anh là Xuân Miêu - cô gái xuất hiện muộn màng nhưng làm khuynh đảo cả cuộc đời anh chàng Mặt Xanh. Anh chàng đơn độc trong hộ làm ăn cá thể ấy giờ đã có tình yêu lấp đầy mặc cảm. Lần thứ bảy, khi Xuân Miêu tìm gặp Giải Phóng, được gần gũi thể xác, tình yêu của họ mới chính thức bắt đầu. Sáu lần gặp trước, họ bị ngăn cách bởi người thứ ba hiện diện trong một không gian, họ không hiểu lòng nhau nên còn e dè. Lần thứ bảy ấy có thể được xem như lần gặp định mệnh. Giây phút đầu tiên họ được ôm hôn nhau. Xuân Miêu "nước mắt lã chã" trong phòng làm việc của Giải Phóng. Anh đã "ghì lấy đôi vai nhỏ, dùng đôi môi của tôi bịt kín chiếc mồm xinh đẹp ấy [...] Xuân Miêu ngưng khóc nhưng tôi lại bị tràn ngập một cảm giác mà suốt bốn mươi năm tôi chưa hề trải qua" [3, tr. 621- 622]. Từ giây phút đó, họ mới nói lên những lời yêu thương dành cho nhau. Có thể nói, trong tất cả các cuộc tình mà tác giả xây dựng nên, chỉ có cuộc tình giữa Xuân Miêu và Giải Phóng là không vì mục đích gì khác ngoài tình yêu. "Tình yêu duy nhất xứng đáng với tên gọi của nó là tình yêu vô điều kiện" (John Powell). Xuân Miêu không muốn vì mình mà Giải Phóng phải từ bỏ bất cứ điều gì. Nói như E.Fromm: "Tình yêu tự ban sơ là cho chứ không phải là nhận... Nó không cho để mà nhận, sự cho tự nó là một niềm vui kịch liệt... Tình yêu là một quyền năng tạo ra tình yêu". Hiếm thấy cuộc tình sét đánh nào hi sinh nhiều, cho đi nhiều, say mê nhiều, đau khổ nhiều như cuộc tình trên. Ở "Báu vật của đời" Kim Đồng cũng gặp Uông Ngân Chi trong trường hợp tương tự, Ngân Chi khóc lóc, Kim Đồng tìm mọi cách dỗ dành, thương cảm cho cô gái tội nghiệp. Rồi hai người cũng gần gũi nhau, Ngân Chi cũng tỏ tình với Kim Đồng... Nhưng đó chỉ là cái bẫy Ngân Chi giăng mắc. Kim Đồng rơi vào khốn khổ. Đám cưới không tình yêu ảm đạm diễn ra. Mọi chuyện kết thúc như chưa hề có bắt đầu.
Những mối quan hệ nam nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn còn gắn với tình nghĩa. Đây là nét dễ thấy trong văn hóa, văn học phương Đông. Lãnh Đệ vì tình nghĩa mà tình nguyện muốn lấy Hàn Chim. Lai Đệ vì tình nghĩa mà chấp nhận Tôn Câm ("Báu vật của đời"). Hợp Tác và Kim Long vì nghĩa vợ chồng mà bỏ qua mọi oán ghét, Tây Môn Náo qua bao kiếp đầu thai vẫn không quên nghĩa cũ tình xưa ("Sống đọa thác đày")...
Thần thoại kể rằng, khởi thủy đàn ông và đàn bà nhập làm một sinh thể có bốn tay, bốn chân. Thế rồi, họ bị cắt đứt thành hai. Từ đó, mỗi bên thực hiện cuộc hành trình đi tìm một nửa. Trong cuộc hành trình ấy, một số ít tìm thấy "đối cực còn lại" và cũng không ít kẻ nhầm tưởng rằng đã tìm thấy nửa kia, họ vội vàng hợp nhất. Nhưng khi đã không ăn khớp với nhau thì sinh thể đó chẳng khác nào quái vật thiếu linh hồn. Đó chỉ là thần thoại trong dân gian nhưng lại nói đúng bản chất của tình yêu đích thực. Nếu không tìm thấy bến bờ, con người sẽ rơi vào bể cô đơn. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, tình dục (không phải tình yêu) có khi được xem như "cứu cánh" của cái tôi cô đơn. Đến với "Tửu quốc", người chồng Khoan Kim Cương bắt vợ mình năm lần sinh non để lấy thai nhi. Đau khổ, cô độc. Cô tài xế ấy mở miệng là nói những lời tục tĩu. Cô muốn được cảm thông, được chia sẻ. Nhưng con đường mà cô thể hiện điều đó có cả tình dục – với Đinh Câu và với Dư Một Thước. Còn Mi Nương trong "Đàn hương hình" lại không chịu nổi ông chồng khờ, đi ân ái với quan tri huyện. Trong "Báu vật của đời", các mối quan hệ nam nữ lại cực kỳ phức tạp. Kim Đồng lúc nhỏ bám lấy bầu sữa mẹ, lớn lên bị cô lập giữa mọi người, thất bại trong tình đầu với Natasa, sau mười lăm năm tù khổ sai vì tội danh tình nghi giết người và hãm hiếp xác chết, anh ta trở về trong đau đớn, cô đơn, thất vọng. Anh ta tìm đến với Kim Một Vú để tìm lại bầu sữa ấm ngày xưa, xoa dịu nỗi đau tinh thần. Suy cho cùng, trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh, có những con người tìm đến nhau để nương náu, để giải tỏa ức chế, ham muốn của mình. Tây Môn Náo trong "Sống đọa thác đày" cũng thế, anh ta dù có đầu thai làm kiếp khác cũng đi tìm bạn đời, cũng không thoát khỏi tình dục. Họ muốn nương nhờ tình dục để chạy trốn khỏi cảm thức cô đơn nhưng họ mãi mãi bị vây bủa bởi cô đơn.
Bên cạnh đó, tình dục trong nhiều trang tiểu thuyết Mạc Ngôn không còn chứa đựng tình yêu, thật ít tiếng nói của xúc cảm nhân tính mà tình dục có những ung nhọt trong biểu hiện và nỗi đau nhìn thẳng vào hiện thực xã hội.
Trong cuộc sống, không thiếu những con người đầy đam mê dục vọng, khao khát thỏa mãn thân xác. Chông chênh giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa khát khao hòa hợp và sự chiếm hữu, chiếm đoạt, giữa thú tính và nhân tính... biết bao người đi con đường lệch lạc. Mạc Ngôn cũng đã hướng đến một vấn đề nhức nhối của xã hội, nhiều cá nhân xem tình dục như trò chơi để thỏa mãn ham muốn để rồi gây ra hậu quả khôn lường. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, biết bao lần con người đến với con người bằng thân xác mà không hề có hương vị của tình yêu. Trái tim họ nhường chỗ cho những dục vọng hèn kém, sa đọa. Không thể phủ nhận rằng, đã là con người thì luôn khao khát được yêu thương, chia sẻ. Nhưng khi là con người của dục vọng thì ai cũng chống chếnh giữa tốt và xấu, giữa việc làm chủ được mình và tha hóa biến chất. Mạc Ngôn đã mạnh dạn đề cập đến những khát khao thầm kín của con người, góp một tiếng nói nhân sinh. Những ước vọng cao đẹp sẽ giúp con người thăng hoa cảm xúc, những dục vọng thấp hèn sẽ bóp nát tương lai, khiến con người càng ngày càng trở nên mụ mị. Viết ra những điều đó là Mạc Ngôn đang đánh thẳng vào bản năng gốc của con người, lên tiếng phê phán những ung nhọt trong đời sống tình yêu – tình dục của một bộ phận người trong xã hội, để từ đó vực dậy những tâm hồn đang sa đoạ và vực dậy một cộng đồng người đã và đang mệt mỏi.
(Còn tiếp)