Anh Chất bên vợ và con trai đang kể lại câu chuyện tình yêu. Ảnh: NLĐ. |
Những bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm cho biết, khi mắc phải căn bệnh quái ác này, họ đoán chắc mình phải sống độc thân cả đời, thậm chí không ít người từng mang ý định tự tử. Nhưng thật lạ, khi tình yêu đến, họ luôn biết sống hết mình và trở nên tin yêu cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hòa, con của vợ chồng bệnh nhân phong ở trại Sóc Sơn, Hà Nội, đã gặp anh Nguyễn Văn Chung tại trại Quả Cảm trong một lần đến thăm những người bạn của bố mẹ ở đây. Hai người bén duyên rồi nên vợ chồng vào năm 1992 và là gia đình trẻ nhất trại hồi đó. Sau 15 năm vun đắp cho tổ ấm của mình, đến nay anh chị đã có được hai con trai khôi ngô, ngoan ngoãn. Anh chị cũng vừa mới cất được một ngôi nhà mái bằng nho nhỏ trên con dốc đi lên đồi.
Trước khi gặp Chất và lập gia đình với anh, chị Đoàn là bệnh nhân của trại phong Sóc Sơn. Qua những lần giao lưu giữa hai trại phong, anh chị gặp rồi yêu thương nhau. Khi họ mới yêu nhau, anh Chất dù chỉ còn một chân nguyên vẹn nhưng vẫn đạp xe vài chục cây số sang thăm chị Đoàn. Anh Chất kể: “Nhiều hôm đạp xe sang thăm Đoàn, chân giả cọ với chân còn lành bật cả máu, nhưng mình chẳng thấy đau đớn gì cả”.
Đám cưới của anh chị tổ chức trong trại phong chỉ có bánh kẹo và vài mâm cơm đạm bạc nhưng tràn ngập tiếng hát, tiếng cười. Nay, họ thật hạnh phúc vì đã có được cậu con trai 5 tuổi ngoan hiền.
Căn nhà của ông Hưng tuềnh toàng nằm khép nép trên đỉnh đồi trong trại Quả Cảm, hai con đã tốt nghiệp đại học. Ngày gia đình ông bỏ quê hương vào trại phong Quả Cảm, hai con ông đã biết làm lụng đỡ đần bố mẹ. Bệnh phong thời đó bị người đời hắt hủi, xa lánh nên hai đứa trẻ cũng phải nhẫn nhục chịu đựng, lớn lên trong lam lũ.
Tuy vất vả, cực nhọc nhưng Nhung và Thành đều rất sáng dạ, học đâu thông đó. Ông Hưng kể: “Trong lúc đi bộ trên đường từ trường về nhà, con bé Nhung đã học xong bài ở lớp. Vợ chồng tôi giật gấu vá vai quanh năm cũng chỉ đủ để hai đứa con ăn học, dù toàn phải ăn sắn, ăn khoai”.
Con gái ông bà càng lớn càng học giỏi, cấp 3 thi đỗ vào lớp chuyên toán. Đến lúc thi đại học, ông bà không thể tin nổi con bé thi đỗ ba trường. Nhung trở thành niềm tự hào của cả trại phong Quả Cảm.
“Thằng Thành cũng đâu chịu thua con chị. Một mình nó bươn chải kiếm tiền học cao đẳng, rồi liên thông lên đại học và giờ cũng là kỹ sư cầu đường”, ông Hưng hào hứng.
Hiện nay, hằng tháng chị em Nhung và Thành vẫn gửi tiền về để phụ giúp bố mẹ. Ông Hưng trầm tư: “Vợ chồng tôi có thể yên tâm rồi. Giờ chỉ mong sao hai đứa nó được yên ổn làm ăn, khỏi phải mang mặc cảm có bố mẹ bị căn bệnh quái ác này”.
(Theo Người Lao Động)