Sau khi lau vỏ ngoài lon bia, Morgane Clément-Gagnon, 33 tuổi, nhìn chằm chằm vào chàng nhạc sĩ mà cô mới gặp trên mạng, ngồi trên băng ghế cách hơn nửa mét trong công viên Montreal, Canada. Ban đầu hai người chào nhau bằng cách chạm mũi giầy. Nhưng khi nụ cười bị nỗi sợ chiếm chỗ, trái tim Morgane rung động. Cô cúi xuống hôn.
Bị sốt và cách ly trong căn hộ hai phòng ngủ chật chội ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Zeynap Boztas, 42 tuổi cảm thấy bị giam cầm, không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Người chồng mà cô định đuổi khỏi nhà và ly hôn - sau khi tìm thấy cài ứng dụng hẹn hò trong máy hai tuần trước - giờ đang nằm trên giường cạnh cô.
Trong căn hộ của mình ở Berlin, Đức, nhà văn người Mỹ Michael Scaturro, 38 tuổi, đang tham dự "thời gian hạnh phúc" với 15 người bạn độc thân đến từ Berlin, Madrid, London và New York. Khi hộp đêm Berghain, nổi tiếng ở Berlin, nhấp nháy trên màn hình máy tính của họ, cả nhóm nhấm nháp rượu vang đỏ, xem một DJ biểu diễn và thảo luận cách khôn ngoan để kiếm bạn trai/bạn gái sống qua mùa dịch.
Đây là những cái nhìn thoáng qua về cuộc sống đổi thay của hàng triệu người trên thế giới về tình yêu, ghét bỏ và không giới hạn khoảng cách dưới sự "cai trị chuyên chế" của nCoV.
Chỉ trong vài tuần, dịch bệnh đã khiến toàn cầu thay đổi mối quan hệ, hẹn hò, tình dục. Đám cưới bị hoãn lại, trong khi tỷ lệ ly hôn tăng vọt ở Trung Quốc, dù dịch đã giảm bớt. Những người yêu nhau và các gia đình đang trong tình trạng lo sợ, đau khổ vì bị chia cắt khi biên giới các nước đóng của. Các việc thông thường như cho lũ trẻ chơi với nhau hoặc có nên gặp người yêu hay không, đang trở thành vấn đề của sự sống và cái chết.
Internet trở thành cứu tinh cho hàng triệu người độc thân bị mắc kẹt trong nhà, cho phép họ hẹn hò, tham dự các bữa tiệc karaoke hoặc thổi nến sinh nhật. Thú cưng trở thành nguồn an ủi ở các thành phố bị phong toả như London, Madrid và Paris.
Đại dịch đã sinh ra một loạt từ vựng mới. Trước đây có những từ "blackout babies" - những đứa trẻ sinh ra vì mất điện, giờ có "coronababies" - những đứa trẻ sinh ra thời corona và tương lai vào năm 2033 sẽ xuất hiện một thế hệ mới "quaranteens" - Vị thành niên thời cách ly. Các cặp vợ chồng trục trặc hôn nhân cũng có thêm từ mới - covidivorce.
Một quan niệm lan truyền trên phương tiện truyền thông gần đây đưa ra điều kiện thiết yếu cho hẹn hò năm 2020. "Anh ấy có giấy vệ sinh không?". Các đôi tặng nhau hoa khẩu trang và giấy ướt, trong khi doanh số hoa tươi giảm 90% ở Trung Quốc dịp lễ tình nhân. Ở Ấn Độ, các phương tiện truyền thông đang thông báo sự gia tăng doanh số bán bao cao su và các biện pháp tránh thai khác.
Tại Vũ Hán, "tâm chấn" ban đầu của dịch bệnh ở Trung Quốc, Tian Fang, một y tá trẻ, gửi đi một tờ giấy viết tay: Sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi hy vọng chính phủ cấp cho tôi một người bạn trai. Trong một video sau đó, cô cho biết thích một người đàn ông cao ráo. Đài truyền hình quốc gia CCTV đã đáp ứng cô bằng một danh sách các binh sĩ và cảnh sát đủ điều kiện để cô lựa chọn.
Một anh chàng ở thị trấn nhỏ tỉnh Santiago del Estero ở Argentina lỡ khoe với bạn bè vừa gặp người yêu cũ trở về từ Tây Ban Nha. Bạn của anh đã báo với chính quyền. Toàn thị trấn bị phong toả vào 14/3, còn anh chàng được xác định là trường hợp dương tính đầu tiên trong tỉnh.
Đại dịch đang làm thay đổi quan niệm về không gian cộng đồng và đô thị. Từ khắp nơi trên thế giới mọi người tụ tập ngoài ban công để cổ vũ nhân viên y tế, hay cùng biểu diễn âm nhạc, thậm chí chạy marathon.
Sean Safford, giáo sư xã hội học tại Paris, bị nhốt trong thành phố cùng vợ và con trai 7 tuổi cho biết: "Bản năng con người gắn bó với nhau về thể xác nhưng giờ nCoV yêu cầu mọi người làm điều ngược lại. Trong các cuộc khủng bố trước đây ở Pháp hay sự kiện 11/9 ở Mỹ, hàng triệu người tập trung ở các quảng trường tìm sự an ủi, an toàn. Bây giờ chúng ta phải hướng nội, tự cô lập để trở thành một công dân tốt", anh nói qua cuộc gọi video từ Paris, bên trong tủ quần áo lớn, mà giờ biến tạm thành một văn phòng, ngăn cách với gia đình.
Tiến sĩ Lucy Atcheson, một nhà tâm lý học ở London, nói rằng việc phong toả đang gây ra sự gắn kết mới đối với một số người, trong khi phóng đại xích mích và xung đột cho những người khác. "Nó giống như đặt tất cả các vấn của chúng ta vào chảo rán và đun nóng", Atcheson, người chuyên tư vấn cho các đôi mùa dịch nói. Nhiều người thấy cuộc sống quá ngắn để mà phải chịu đựng những xích mích thế này.
Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã buộc hàng trăm triệu người phải cách ly, số lượng đơn xin ly hôn đã tăng mạnh vào tháng trước tại ít nhất hai tỉnh của Trung Quốc là Tứ Xuyên và Sơn Tây, do mâu thuẫn trong thời gian ở nhà với nhau. Thành phố Đạt Châu ở tây nam Tứ Xuyên đã ghi nhận khoảng 100 đơn ly hôn trong chưa đầy 3 tuần.
Zeynep Boztas, ở Istanbul cho biết virus đã đưa cô đến bờ vực sụp đổ tinh thần và thể chất. Cô quyết định chia tay với người chồng - một nhân viên bán hàng - sau 12 năm gắn bó, chỉ hai tuần trước khi thành phố bị đóng. Mối quan hệ của cả hai đã căng thẳng trong hơn một năm khi anh chồng này phàn nàn đồ ăn của vợ vô vị, chế giễu lựa chọn quần áo của cô và dành hàng giờ ngây ngốc trên máy tính.
Hai vợ chồng đã thảo luận vấn đề song không hiệu quả. Giờ Bozts cảm thấy nhẹ nhõm khi biết chồng đang nói chuyện với phụ nữ khác. Khi cô nói về việc này, anh ta đồng ý sẽ đi nơi khác. "Cuối cùng tôi nghĩ mình đã được tự do", cô nói.
Nhưng khi trở về sau chuyến công tác, chồng cô khăng khăng ở lại cho đến khi mối đe doạ dịch bệnh lắng xuống. "Đây là thời điểm không chắc chắn, chúng ta nên tiết kiệm tiền, chúng ta nên ở bên nhau như một gia đình", Boztas đã bị thuyết phục bởi lý lẽ này, khi bản thân, vốn là một dịch giả, đang thất nghiệp.
Bây giờ, hơn hai tuần sau, cả cô và chồng cô đang chiến đấu với các triệu chứng cảm lạnh, khiến cô cảm tưởng mình bị một dạng nhiễm nCov nhẹ. Cô nói rằng sự sắp xếp cuộc sống đang gây áp lực lớn lên sức khỏe tinh thần của cô, làm tăng thêm các vấn đề về hô hấp. Để tránh đánh nhau trước mặt các con, giờ đây họ trao đổi tin nhắn tranh luận, ngay cả khi chỉ ngồi cách nhau hai bước chân.
Nhưng cô nói, anh chồng không có gì thay đổi. "Đêm nọ, anh ta vừa ngủ trên giường và cố gắng lăn vào người tôi để đòi hỏi 'chuyện ấy'. Nó giống như một trò đùa bệnh hoạn. Cảm giác như những bức tường đang nghiền nát tôi và trần nhà đang đổ ập xuống", cô kể.
Cuộc sống đang như ngục tù, làm phá vỡ các thói quen của cô như ăn trưa với một nhóm các bà mẹ, đi bộ bên con đường đẹp như tranh vẽ. Nhưng giờ mọi thứ trôi qua khiến cô bị trói buộc. "Tôi có nên lo lắng về cơn sốt của mình? Tôi có lên lo lắng thức ăn trên bàn, dọn nhà, giải trí cho lũ trẻ, nhặt quần áo bẩn của chồng khỏi sàn... Không có nơi nào thoát khỏi sự điên rồ này", cô nói. Có những lúc, cô đã trốn hàng giờ trong nhà tắm để ở một mình và khóc nức nở.
Đối với người độc thân, đại dịch mang đến một loại thách thức khác. Sau khi "quẹt phải" nhạc sĩ người New Zealand trên app hẹn hò, Morgane Clément-Gagnon, một nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia nói rằng cô đã rất choáng váng khi thấy anh chàng đẹp trai, hài hước và chung một đam mê nghệ thuật. Hai người háo hức gặp nhau, nhưng lo lắng về dịch nên gặp ở công viên. Cả hai ngồi trên ghế đá, nghe nhạc Celine Dion và Britney Spears, nhảy và hát theo nhạc trên điện thoại. "Khi anh ấy chiều theo sở thích âm nhạc của tôi, tôi biết đây là một buổi hẹn hoàn hảo", cô mỉm cười.
Cuộc hẹn của họ kết thúc bằng một nụ hôn không lường trước. Clément-Gagnon, người độc thân một năm, cho biết muốn gặp lại anh chàng. Nhưng cô gặp trở ngại: chị gái vừa từ Australia trở về và sống cùng cô trong tình trạng cách ly. Trong khi đó, chàng nhạc sĩ muốn trở về quê trước khi biên giới các nước đóng cửa.
Hai người nhắn tin liên tục và cân nhắc những rủi ro nếu gặp nhau. Cuối cùng, cô vi phạm quy tắc kiểm dịch và gặp anh chàng trong một căn hộ trống của bạn, nói chuyện, xem phim và tìm sự thoải mái trong vòng tay nhau.
"Có phải corona đang làm một cái gì đó kỳ diệu với tất cả điều này", cô hỏi. "Tôi cảm thấy sợ hãi ở khắp mọi nơi và trong cuộc gặp bất ngờ này tôi không còn thấy sợ hãi. Dù có xảy ra chuyện gì thì đây vẫn mãi là khoảnh khắc đẹp".
Bảo Nhiên (Theo Nytimes)