Cô gái giải thích do làm nghề người mẫu, cần giữ hình ảnh để không ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Sau nhiều lần bị thắc mắc, cô lại nói yêu đương là chuyện của hai người, không muốn công khai vì sợ bị soi mói hay nhận xét.
Lời giải thích này chạm đến tự ái của Nam bởi chàng kỹ sư IT ở Đà Nẵng vẫn tự ti về ngoại hình của mình.
Tuy vậy, điều khiến Nam khó chịu hơn là cô bạn gái vẫn chăm chỉ đăng ảnh cá nhân, viết những dòng trạng thái đầy tâm trạng mỗi ngày, thu hút nhiều chàng trai vào bình luận. "Việc không được công khai khiến tôi bất an, cảm giác như mình là kẻ vô hình trong mối quan hệ này", Hoàng Nam, 30 tuổi, nói.
Cuối cùng, Nam phát hiện bạn gái đã phản bội mình. Những lý do để không công khai chỉ là cái cớ cho cô tiếp tục đi hẹn hò với những người khác.
"Hóa ra, ngay từ đầu tôi chỉ là phương án dự phòng. Cô ấy chọn ở bên tôi có lẽ vì tiền bạc", chàng trai nói.
Chuyện yêu đương của Hoàng Nam được giới trẻ ngày nay đặt tên là "tình yêu bỏ túi" hoặc "pocketing" - thuật ngữ mới trong thế giới hẹn hò, ám chỉ một người bị bạn trai (hoặc bạn gái) giấu giếm với tất cả những người xung quanh, như thể họ bị "bỏ vào trong một cái túi".
Pocketing không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Với những người kín đáo, không thích tiết lộ đời sống cá nhân lên mạng xã hội hoặc khoe người yêu với bạn bè, gia đình, "tình yêu bỏ túi" là chuyện đương nhiên.
"Pocketing đang là xu hướng của giới trẻ. Có những cặp yêu nhau mà không ai hay biết cho đến khi họ mời cưới", anh Điệp Hoàng, CEO của công ty hẹn hò Nối Group ở TP HCM nói. Chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hẹn hò từng gặp những người "bị bỏ túi hoàn toàn" - yêu vài năm nhưng không biết nhà người yêu, công việc của người kia. Số đông người trẻ hiện nay chỉ công khai người yêu ngoài đời thực và tuyệt đối không công khai trên mạng xã hội. Hiện tượng này phổ biến ở nam giới hơn.
"Thời nay gần như ai cũng có hai cuộc sống: Ngoài đời thực và trên không gian mạng", Điệp Hoàng nói.
Đã bên nhau hơn nửa năm, nhưng cả Diệu Thúy và bạn trai đều không công khai người kia trên mạng xã hội. Cô gái nói thích được "đánh dấu chủ quyền", nhất là từ phía người nam nhưng bạn trai ít dùng mạng xã hội nên thấy không cần thiết phải "bố cáo thiên hạ".
Cô gái Hà Nội đã giới thiệu bạn trai kém 3 tuổi với bố mẹ và bạn bè thân thiết nhưng không muốn để nhiều người ngoài biết, sợ họ bàn tán, gây áp lực cho tình cảm của hai người. Thúy cũng rút kinh nghiệm từ mối tình đầu, lúc yêu lẫn lúc chia tay bị mọi người rất để ý, còn mình mất thời gian xóa ảnh trên mạng xã hội. Mỗi lần xóa là một lần buồn.
"Nhưng xét dưới góc độ nào thì pocketing cũng là điều không bình thường", Thùy Chi, một "bà mối" của dịch vụ hẹn hò Rudicaf ở Hà Nội nói.
Trong một nghiên cứu gần đây của Pew Research (Mỹ) hơn 91% những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 thường xuyên đăng ảnh người yêu và cập nhật trạng thái yêu đương thường xuyên. Một khảo sát của VnExpress ghi nhận kết quả 68% coi công khai người yêu với gia đình, bạn bè là bắt buộc, chỉ 1% lựa chọn không công khai để tránh phiền phức, ảnh hưởng công việc.
"Tâm lý bình thường của một người khi yêu là muốn tuyên bố với cả thế giới", bà mối Thùy Chi nói. "Đồng ý, yêu nhau là chuyện của hai người, nhưng nếu mối quan hệ đủ lâu mà vẫn nằm trong bóng tối rất dễ là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn".
Nguyên nhân đầu tiên là do họ yêu nhau chưa đủ nhiều, chưa cảm thấy hãnh diện, tự hào về người yêu để khoe với mọi người, chưa chắc chắn là mối quan hệ này sẽ đi xa. Một số pocketing vì vẫn muốn tỏ ra độc thân, cởi mở với mọi mối quan hệ khác. Công khai có người yêu sẽ đánh mất cơ hội tìm kiếm người tốt hơn.
Một số trường hợp hiếm hoi là do tổn thương tình cảm trong quá khứ. Ví dụ trước đây từng khoe người yêu trên mạng xã hội một cách rùm beng nhưng sau đó lại chia tay, từ đấy phát sinh tâm lý lo lắng "khoe là mất". Tuy nhiên, nếu là những nguyên nhân này, dù không khoe trên mạng xã hội vẫn nên giới thiệu với gia đình, bạn bè.
"Nếu yêu thật sự, họ sẽ cho đối tác của mình cảm giác an toàn. Nếu không, họ sẽ tìm cách thoái thác, từ chối việc công khai một cách gay gắt", Thùy Chi nói.
Đôi khi, việc một người giấu chuyện đã có người yêu có thể gây hiểu nhầm cho những người xung quanh.
Đài Trang, 27 tuổi, ở Hà Nội, từng rơi vào tình huống này. Khi mới vào công ty Trang thấy một nam đồng nghiệp thường xuyên bắt chuyện và dành cho cô những lời khen mỗi khi gặp mặt. Anh còn chủ động kết bạn và không bỏ lỡ bài đăng nào của cô trên mạng xã hội.
Nhưng trong một buổi ăn trưa với đồng nghiệp, cô tình cờ nghe được rằng người này đã chụp ảnh cưới và dự định kết hôn đầu năm sau với một cô gái cùng công ty nhưng ở phòng khác. Họ đã yêu nhau hơn hai năm, nhưng pocketing.
"Có lẽ họ thỏa thuận giữ kín để tránh ảnh hưởng công việc, nhưng tôi tin chắc cô gái kia không biết bạn trai mình vẫn 'rắc thính' khắp nơi. Tôi chỉ là một trong số đó", Trang chia sẻ.
Bà mối Thùy Chi khuyên khi phát hiện mình là "nạn nhân" của pocketing, cách tốt nhất là đối thoại thẳng thắn và cởi mở. "Hãy hỏi lý do vì sao đối phương không muốn công khai và cùng nhau tìm ra giải pháp để cả hai cảm thấy yên tâm hơn", cô nói.
Cảm giác an toàn là yếu tố cốt lõi trong tình yêu. Nếu yêu thật lòng, người ấy sẽ không ngại khẳng định chủ quyền, muốn cả thế giới biết đến bạn để không ai có cơ hội chen chân. Nếu đối phương kiên quyết giữ kín mối quan hệ, bạn nên cân nhắc rời đi.
"Đừng lãng phí thanh xuân trong một mối quan hệ mập mờ. Mỗi người đều xứng đáng được yêu trọn vẹn và là duy nhất trong lòng đối phương", chuyên gia hẹn hò khuyên.
Sau một mối tình thất bại, Hoàng Nam, 30 tuổi, rút ra bài học: Ngày nay, công khai trên mạng xã hội thậm chí còn quan trọng hơn cả với gia đình, bạn bè. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc và giúp tránh được những đối tượng khác tiếp cận.
Diệu Thúy vẫn ủng hộ quan điểm pocketing của mình. "Bức ảnh đầu tiên tôi công khai bạn trai sẽ là ảnh cưới", cô nói.
Phan Dương